- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 24/05/2018 @ 10:59 sáng In Tin mới cập nhật | No Comments

Anh Đặng Văn Cao đang chăm sóc cho rừng quế của mình [1]

Anh Đặng Văn Cao đang chăm sóc cho rừng quế của mình

Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách

Đến thăm mô hình chăn nuôi cá kết hợp với trồng rừng của gia đình anh Đặng Văn Cao, sinh năm 1988, tại thôn Khởi Khe, thị trấn Phong Hải, thuộc diện hộ nghèo từ năm 2015. Chúng tôi được anh Đặng Văn Cao đón tiếp vui vẻ và không ngần ngại tâm sự về hoàn cảnh gia đình của mình: Trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, có 5 khẩu, 2 vợ chồng và 3 con nhỏ, phải “chạy ăn từng bữa” vốn đã chật vật, nói gì đến chuyện đầu tư phát triển sản xuất.

Khi hỏi đến chuyện đầu tư mô hình phát triển sản xuất của gia đình hiện nay, anh Cao chia sẻ: Với sự cố gắng quyết tâm chịu thương, chịu khó của cả hai vợ chồng và với bản lĩnh tự lực, tự cường, bản thân không muốn ỷ lại vào chế độ của Nhà nước, cộng đồng, vì thế trong những năm qua, 2 vợ chồng anh đã luôn tìm kiếm các mô hình làm ăn phát triển sản xuất để phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Được sự giới thiệu và hướng dẫn của Hội Nông dân xã, gia đình anh Cao đã được tiếp cận và vay vốn ưu đãi từ NHCSXH với số tiền 50 triệu đồng. Với số tiền đó cộng với vay mượn thêm anh em họ hàng, anh Cao đã mạnh dạn đầu tư phát triển trồng rừng và nuôi cá. Nhờ biết chăm chỉ làm ăn, ham học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, trong năm 2017, gia đình anh đã xuất được 2 vụ cá, với tổng sản lượng gần 4 tấn cá thương phẩm. Toàn bộ sản lượng cá được các thương lái đến thu mua ngay tại ao với giá 39 nghìn đồng/1kg. Với diện tích đất sẵn có, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư trồng mới gần 1,5ha quế, nuôi thêm gà, lợn để cải thiện kinh tế. Mô hình kinh tế này mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định. Nói tới đây anh lộ rõ niềm vui trên nét mặt, anh Cao nói tiếp: “Cũng nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, gia đình tôi mới có tiền để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, có tiền cho con ăn học và sửa sang nhà cửa. Điều vui nhất là qua cuộc điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017, hộ gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo”.

Đến với gia đình anh Phạm Quang Sáng, thôn Cốc Tủm 2, xã Phong Niên cho biết, năm 2015 gia đình anh vẫn nằm trong diện hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều, cuộc sống gia đình anh vô cùng khó khăn. Năm 2017 gia đình anh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi hộ nghèo của NHCSXH để đầu tư nuôi trâu sinh sản kết hợp với chăn nuôi lợn. Với bản lĩnh của tuổi trẻ anh đã đi học thêm nghề lái máy xúc và đã có công việc ổn định cho thu nhập khá. Hiện nay, gia đình anh thường xuyên nuôi 10 con lợn thịt, 100 con gà, thu nhập bình quân đầu người khoảng 40 triệu đồng/người/năm và đã vươn lên hộ khá. Đến nay, gia đình anh cũng đã nằm trong danh sách hộ thoát nghèo bền vững.

Tạo việc làm cho nhiều lao động

“Làm ăn mà không có vốn, khó cạnh tranh lắm! Trong khi đó, cuộc sống gia đình mình còn khó khăn, nên rất khó vay vốn từ các Ngân hàng thương mại. Vì vậy, khi nghe có nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ NHCSXH, tôi rất mừng. Nhờ đó, tôi mới có vốn để trang trải trong việc làm ăn, mạnh dạn thay đổi cách đầu tư kinh doanh, đến nay gia đình tôi đã trở thành hộ kinh doanh dịch vụ điển hình của xã”, anh Tuấn nói.

Đó là hộ gia đình anh Tạ Anh Tuấn, sinh năm 1980 ở thôn Làng Bạc, xã Xuân Quang đã trở thành hộ kinh doanh dịch vụ điển hình có tinh thần giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo bền vững, gia đình anh Tuấn có 2 xưởng bóc gỗ, 2 xưởng làm gạch không nung, kết hợp buôn bán vật liệu xây dựng. Thu nhập bình quân khoảng 2 tỷ/năm tạo công việc thường xuyên cho 30 người, với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra còn rất nhiều gương điển hình là hộ nghèo vượt khó vươn lên thoát nghèo nhờ mạnh dạn vay vốn từ nguồn vốn NHCSXH để đầu tư sản xuất như các hộ gia đình tại xã Phố Lu: Ông Đào Duy Quyết thôn Tân thành; Phạm Văn Thắng thôn Khu ba; hộ ông Phạm Thanh Hà thôn Trì Hạ; hộ bà Lý Thị Xường thôn Khe Tắm, đến nay các hộ gia đình này đã vươn lên thoát nghèo có mức thu nhập từ 24 đến trên 50 triệu đồng/năm.

Các chương trình cho vay từ NHCSXH không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, hỗ trợ vốn cho các cơ sở SXKD và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, mà còn góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống của địa phương.

Chương trình này còn hỗ trợ vốn cho các cơ sở SXKD và hộ gia đình mở rộng sản xuất, thu hút, tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, lao động là người khuyết tật… góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, tác động tích cực đến Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/thoat-ngheo-nho-nguon-von-chinh-sach.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2018/05/LC-1.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.