- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

“Tất cả những gì mình làm chỉ với mong muốn đóng góp cho quê hương”

Posted By On 04/05/2015 @ 3:53 chiều In Hội nghị thi đua yêu nước NHCSXH lần thứ II,Người tốt - Việc tốt | No Comments

Hoàng Văn Tứ đang đi thăm hộ vay vốn ở xã Võng Xuyên [1]

Hoàng Văn Tứ đang đi thăm hộ vay vốn ở xã Võng Xuyên

Không ngại “quản” món vay nhỏ

Nay ở cương vị Giám đốc NHCSXH huyện Phúc Thọ (Hà Nội), anh lại càng muốn đóng góp, muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương, để làm sao người dân trong huyện không còn hộ nào phải nghèo khổ.

Chân ướt chân ráo rời giảng đường đại học, Hoàng Văn Tứ về làm việc hợp đồng ngắn hạn ở Agribank huyện Phúc Thọ. Nhưng chỉ sau đúng 1 năm (năm 2003), khi NHCSXH được thành lập thì cái duyên gắn bó với người nghèo và tín dụng ưu đãi cứ theo Hoàng Văn Tứ đến bây giờ. “Khi đó, NHCSXH huyện Phúc Thọ (Hà Tây cũ) được thành lập và thiếu nhân viên kế toán nên tôi đã thi tuyển sang”, Hoàng Văn Tứ kể.

Điểm khác biệt với các ngân hàng khác là NHCSXH phải quản lý hồ sơ hàng nghìn món vay nhỏ lẻ, phổ biến chỉ từ 5 - 15 triệu đồng. Điều này đòi hỏi người cán bộ làm công tác kế toán tài chính cũng phải hết sức chăm chỉ, luôn hết mình vì công việc. Nhiều người cho rằng, những công việc sổ sách kế toán sẽ phù hợp hơn với chị em, nhưng với bản tính cẩn thận, tinh thần làm việc nghiêm túc, Hoàng Văn Tứ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn.

Đến giờ ngồi ngẫm lại, sau hơn 10 năm gắn bó với công việc giải ngân tín dụng chính sách, gắn bó với người nghèo, anh luôn thấy yêu công việc này và sự lựa chọn trở về quê hương của mình là đúng đắn.

Trong thời gian công tác tại NHCSXH, Hoàng Văn Tứ đã có biết bao kỷ niệm. Gặp chúng tôi, anh chia sẻ, dốc bầu tâm sự về những ngày đầu tiên gắn với NHCSXH. Đó là khi mới thành lập NHCSXH huyện, số lượng cán bộ, nhân viên chỉ có 3 người, trong khi thời điểm đó chưa có máy tính, máy in nên các thao tác nghiệp vụ đều phải làm thủ công. Có nhiều hôm công việc giải ngân vốn bắt đầu từ sáng sớm, xuyên trưa, đến gần 2 giờ chiều cũng chưa xong.

Thấy mình làm nhiệt tình, không hề kêu ca phàn nàn gì, nhiều hộ vay vốn, trong đó có mấy cựu chiến binh ở xã Ngọc Tảo xúc động nói: “Các cán bộ NHCSXH như thế nên chúng tôi hứa sẽ sử dụng vốn vay hiệu quả, trả lãi và nợ gốc đúng hạn!”. Những lời chia sẻ động viên của người dân vay vốn đã tiếp thêm sức mạnh cho một chàng trai mới bước vào nghề như Tứ.

Với hàng núi công việc liên quan tới sổ sách, kế toán, anh lao vào làm việc với phương châm “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”. “Ở các vùng nông thôn, người dân nghèo mong từng ngày được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nên mình không thể chần chừ được, anh ạ”, Hoàng Văn Tứ chia sẻ.

Với sự nỗ lực của bản thân, Hoàng Văn Tứ đã được cấp trên tin cậy giao trọng trách cho anh làm Tổ trưởng Tổ kế toán, rồi Phó giám đốc NHCSXH huyện và từ năm 2009 đến nay là Giám đốc NHCSXH huyện.

Luôn lắng nghe tâm tư người dân

Ở Phúc Thọ, cho đến nay nguồn vốn vay của NHCSXH đã giúp cho 886 hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm mới cho 2.766 lao động trong nước, 2 lao động đi xuất khẩu lao động nước ngoài, giúp cho 3.348 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập, góp phần xây dựng và cải tạo được 4.172 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Tổng dư nợ của  NHCSXH huyện Phúc Thọ hiện đạt khoảng 240 tỷ đồng, nhưng nợ quá hạn chỉ 0,2% trên tổng dư nợ.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành công, nhưng Hoàng Văn Tứ vẫn luôn trăn trở làm sao để người dân bớt đi cái nghèo. Anh lặn lội, gần gũi người dân, để cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các phòng chức năng giúp người dân trau dồi kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Hình ảnh vị Giám đốc NHCSXH huyện nói đi đôi với làm luôn được cán bộ chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ghi nhận. Bà Lê Thị Liên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ cho biết, các cán bộ của  NHCSXH huyện Phúc Thọ rất nhiệt tình, hướng dẫn các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cùng người dân thực hiện các giao dịch rất chu đáo.

“Đặc biệt, đồng chí Tứ cũng thường xuyên đến các điểm giao dịch lắng nghe tâm tư nguyện vọng, giải đáp kịp thời các thắc mắc liên quan đến chính sách tín dụng của bà con vay vốn”, bà Liên nhấn mạnh.

Còn ông Lê Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên, chia sẻ, từ khi có  NHCSXH người dân trong xã không phải đi vay nặng lãi, với các hộ nghèo và cận nghèo trong xã về cơ bản đã tiếp cận được nguồn vốn này. Với sự tận tâm của Tứ và đội ngũ cán bộ NHCSXH huyện, người dân luôn cảm thấy hài lòng.

Cá nhân Hoàng Văn Tứ đã nhận được nhiều Bằng khen của Công đoàn, Tổng giám đốc  NHCSXH và của UBND TP. Hà Nội. Nói về những thành tích đạt được, vị giám đốc tròn 38 tuổi này chia sẻ: “Tất cả những gì mình làm chỉ với mong muốn đóng góp cho quê hương”.

Chắc chắn với huyện thuần nông như Phúc Thọ thì anh sẽ còn phải cống hiến nhiều hơn nữa để nguồn vốn tín dụng chính sách đóng vai trò khá quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của địa phương.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/tat-ca-nhung-gi-minh-lam-chi-voi-mong-muon-dong-gop-cho-que-huong.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2015/05/Người-góp-phần-xoá-nghèo-cho-quê-hương.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.