- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Sống khỏe giữa vùng hạn, mặn

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 25/03/2020 @ 2:26 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

Tình hình khô hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra khốc liệt ở các tỉnh ĐBSCL, gây thiệt hại nhiều diện tích lúa, hoa màu. Tuy nhiên, trong những ngày này, các cánh đồng huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) vẫn phủ một màu xanh như giữa mùa nước nổi. [1]

Tình hình khô hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra khốc liệt ở các tỉnh ĐBSCL, gây thiệt hại nhiều diện tích lúa, hoa màu. Tuy nhiên, trong những ngày này, các cánh đồng huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) vẫn phủ một màu xanh như giữa mùa nước nổi.

Trồng sả thay lúa
Cây sả “bén duyên” với đất Tân Phú Đông từ năm 2010, một số hộ trồng thử nghiệm cây sả. Đến nay, khi bị xâm nhập mặn ngày càng gây tác hại nghiêm trọng đến ruộng đồng khiến nhiều hộ trồng lúa mất trắng, nhiều nông dân chuyển mạnh sang trồng sả. Diện tích sả tăng lên liên tục. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 850ha trồng sả, tập trung ở xã Phú Thạnh và Phú Đông và Phú Tân. Theo người dân ở đây, sả là giống ngắn ngày, dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, không kén đất. Năng suất, lợi nhuận kinh tế cao gấp nhiều lần lúa.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết: “Khi thành lập huyện Tân Phú Đông vào năm 2008, tỉnh và huyện đã xác định chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn là cách để Tân Phú Đông phát triển đi lên. Hiện nay, diện tích trồng sả trên địa bàn xã đã lên cả ngàn héc ta, phân bố khắp các ấp trong xã. Phần lớn diện tích trồng sả trên địa bàn được chuyển từ sản xuất lúa trước đó. Mặc dù những năm qua, giá sả có lúc cao, lúc thấp nhưng thấp nhất cũng khoảng 2.500 đồng, trong khi đó giá thành trồng sả khoảng 2.000 đồng/kg cho nên người trồng sả thường có lãi. Đặc biệt, những năm vừa qua giá sả tăng cao, người trồng sả càng phấn khởi. Thấy vậy, nhiều hộ dân đã và đang đẩy mạnh để chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng sả”. Đặc biệt, sự vào cuộc của NHCSXH trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp người dân ở Tân Phú Đông có được cuộc sống no đủ như ngày hôm nay.
Đi tiên phong có nông dân Trương Văn Hùng ở ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông. Ông Trương Văn Hùng là nông dân giỏi tiêu biểu tại địa phương. Ông Hùng cho biết, vùng đất Tân Phú Đông nói chung, xã Phú Thạnh nói riêng được xem là một trong những nơi chịu ảnh hưởng thời tiết nặng nề nhất tại Tiền Giang. Mỗi năm, tại đây có 6 tháng nước bị nhiễm mặn không thể canh tác, chưa kể tình trạng hạn hán và thiếu nước sản xuất. Do vậy, canh tác lúa ở khu vực này thường kém hiệu quả. Trước thực tế này, ông Hùng suy nghĩ phải thay đổi tư duy kinh tế, đưa các cây trồng phù hợp khác thay cho cây lúa. Sả là cây màu chủ lực ông hướng tới bởi có nhiều ưu điểm: ngắn ngày, năng suất cao, dễ trồng, chịu được hạn hán và điều kiện khí hậu khắt nghiệt. Đầu ra của loại cây trồng này cũng thuận lợi bởi vừa là cây màu thực phẩm vừa là cây dược liệu.
Nói về hiệu quả của mô hình, ông Hùng cho rằng, so với trồng lúa, thu nhập từ cây sả cao gấp ba lần lại không lo hạn mặn xâm hại hoặc thiên tai làm mất mùa. Chỉ sau ba năm gắn bó với cây trồng mới trên đất nhiễm mặn cù lao Tân Phú Đông, gia đình ông Hùng đã có của ăn của để, tạo dựng cơ nghiệp vững vàng. Ngoài ra, mô hình trồng sả giúp giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nghèo tại địa phương.
Cùng ở xã Phú Thạnh, có nông dân sản xuất giỏi như ông Phạm Minh Hùng ngụ ấp Giồng Keo, có 1,1ha đất trồng sả chuyên canh năm qua đạt sản lượng trên 37 tấn, bán với giá bình quân 3.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 70 triệu đồng. Ông Hùng cho biết, sả rất dễ trồng, thích nghi với vùng đất nhiễm mặn và chịu khô hạn tốt, sau 6 tháng trồng đã cho thu hoạch. Cũng ở ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh có ông Nguyễn Văn Hùng trồng 1,6ha sả, năm 2014 đạt sản lượng gần 50 tấn, bán thu trên 170 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn trăm triệu đồng. Đây là hai trong số hàng chục triệu phú cây sả trên miền đất mặn Tân Phú Đông.
Có tín dụng chính sách đồng hành cùng bà con
Tỉnh Tiền Giang có 11 xã bãi ngang, ven biển. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đối với các xã đặc biệt khó khăn, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, Tân Phú Đông được sự ưu ái về tín dụng, đặc biệt tín dụng chính sách xã hội. Khi xác định là cây trồng chủ lực trong giảm nghèo, màu xanh cây sả lan tỏa đến đâu tín dụng ưu đãi đến đó. Cụ thể năm 2016 với diện tích 850ha sả, dư nợ NHCSXH là 133 tỷ đồng; năm 2018 diện tích sả tăng lên 1.50ha, dư nợ 175 tỷ đồng. Năm 2019 là 1.800ha, dư nợ 195 tỷ đồng. Dư nơ tăng liên tục qua các năm, nợ quá hạn luôn ở mức 0,08%, ghi nhận hiệu quả tín dụng chính sách ở vùng đất khó; ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và 148 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở huyện cù lao.
Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông cho biết, từ thực tế vay vốn NHCSXH bà con đã sử dụng nguồn vốn, đầu tư trồng sả có hiệu quả, thực sự cây sả đang trở thành cây trồng chủ lực của các xã ven biển Tân Phú Đông… Tiềm năng lớn lao này đang được nông dân phát huy để làm giàu cho kinh tế hộ cũng như góp phần đổi mới nông nghiệp, nông thôn.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/song-khoe-giua-vung-han-man.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2020/03/Hanman.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.