- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

“Nữ thủ lĩnh vững vàng của mạng lưới tín dụng ưu đãi ở cơ sở”

Posted By On 06/05/2015 @ 3:09 chiều In Hội nghị thi đua yêu nước NHCSXH lần thứ II,Người tốt - Việc tốt | No Comments

Chủ tịch Hội CCB xã Phù Lưu Phan Thị Tứ (trái) đang trao đổi nghiệp vụ với cán bộ NHCSXH và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn [2]

Chủ tịch Hội CCB xã Phù Lưu Phan Thị Tứ (trái) đang trao đổi nghiệp vụ với cán bộ NHCSXH và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn

Năng nổ, nhiệt tình, không sợ gian khó là những thế mạnh mà Phan Thị Tứ sớm trở thành trụ cột trong các hoạt động xã hội ở địa phương. Ngay sau khi xuất ngũ vào năm 1980, chị Tứ đã tham gia công tác ở xã ở nhiều cương vị. Năm 2006, chị được bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, đến năm 2014 là Chủ tịch Hội CCB. Trong suốt quá trình hoạt động ở các tổ chức chính trị - xã hội, có một nhiệm vụ đã đi cùng chị, với những kỷ niệm, những niềm hạnh phúc giản dị, đó là việc phối hợp với NHCSXH quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Hội Phụ nữ khi chị làm Chủ tịch có 21 Tổ tiết kiệm và vay vốn nhận ủy thác cho vay với dư nợ ở thời điểm cao nhất là 20 tỷ đồng; Hội CCB do chị làm Chủ tịch hiện đang quản lý 8 Tổ tiết kiệm và vay vốn có dư nợ đạt trên 8 tỷ đồng.

Khi chị Tứ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ quản lý và cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, xã Phù Lưu là địa phương nghèo nhất huyện Lộc Hà với tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Nguồn vốn ưu đãi như dòng suối mát chảy đến vùng khô hạn. Nhưng làm sao để vận hành nguồn vốn một cách an toàn, hiệu quả nhất lại là thách thức đặt ra với những cán bộ hội đang chập chững tiếp cận nghiệp vụ tín dụng. Chị Tứ, chia sẻ: Tôi dày công suy ngẫm một số nội dung công việc ủy thác rồi dành thời gian phổ biến, phân tích kỹ với các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời vạch ra những nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn cho tổ chức hội của mình. Cùng với sự hướng dẫn của cán bộ NHCSXH; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đã cố gắng tranh thủ mọi diễn đàn để tuyên truyền về kênh vốn tín dụng ưu đãi. Cùng với đó, báo cáo thường xuyên về nội dung các chương trình ở từng thời điểm để cấp ủy, chính quyền nắm bắt, kịp thời chỉ đạo. Việc phân bổ nguồn vốn, bình xét, xác nhận đối tượng vay vốn, hội đều dựa vào chính quyền và giảm nghèo của địa phương để thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng đối tượng.

Kinh nghiệm mà chị Tứ đúc rút sau hơn 10 năm lăn lộn với đồng vốn tín dụng ưu đãi, đó là phải nắm thật chắc các rủi ro nảy sinh ở từng thôn, xóm thông qua các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. “Ở xã Phù Lưu nhiều năm trước đã từng xảy ra tình trạng nợ quá hạn do không nắm bắt được sự di chuyển của các hộ vay vốn, cố tình trốn tránh trách nhiệm trả nợ. Ngay sau đó, tôi đã chỉ đạo các Tổ trưởng thiết lập nhiều kênh thông tin ở mọi nơi, kịp thời có phương án xử lý những tình huống bất ngờ”, chị Tứ chia sẻ. Không chỉ chịu trách nhiệm quản lý, điều hành chung mà chị Tứ còn chủ động, sẵn sàng ghé vai san sẻ những khó khăn cùng các Tổ trưởng trong việc xử lý những vướng mắc trong từng món vay. “Chúng tôi thực sự nể phục chị Tứ ở sự kiên trì trong xử lý các món nợ quá hạn, nợ khó đòi. Dù không ít lúc chạnh lòng khi đối diện sự bực tức, khó chịu của những hộ cố tình chây ỳ, nhưng chị luôn kiên trì tìm giải pháp và động viên chúng tôi không chùn bước để bảo tồn cho được nguồn vốn dành cho người nghèo”, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Thanh Mỹ, cho hay. Sự nỗ lực của chị Tứ đã góp phần quan trọng giúp xã Phù Lưu xử lý các món nợ quá hạn, trong 3 năm gần đây, xã không có nợ quá hạn.

Chị Tứ thường nhắc nhiều về niềm vui khi nhìn thấy thành quả ở những cuộc đời thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi. Đặc biệt là câu chuyện về người mù Nguyễn Văn Được vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư chăn nuôi bò. Mặc cho nhiều người băn khoăn, ái ngại nhưng chị Tứ vẫn mạnh dạn đề nghị NHCSXH cho gia đình anh vay để mở hướng chăn nuôi, lo cho 2 đứa con ăn học. Chăm chỉ nuôi con bò giống, số tiền bán bò đã giúp vợ chồng anh Được trang trải cuộc sống và 2 đứa con được đến trường. Sau 3 năm vay anh đã trả nợ đúng hạn và đang vay vốn để tiếp tục chu kỳ sản xuất mới. Cảm ơn sự tin tưởng của chị Tứ dành cho gia đình mình, anh Được luôn nhắc nhở vợ dù làm gì cũng phải lo việc trả lãi, trả nợ cho Nhà nước. Chưa bao giờ vợ chồng người mù này để xảy ra nợ quá hạn bởi họ luôn tự nhủ, không thể phụ lòng tin, sự hỗ trợ của cán bộ hội và NHCSXH.

Đánh giá cao vai trò, nỗ lực của chị Phan Thị Tứ trong quá trình đồng hành với NHCSXH, Phó giám đốc NHCSXH huyện Lộc Hà Thái Thị Lệ Hằng, cho biết: Đây là cán bộ hội nhận ủy thác gắn bó với chương trình phối hợp cho vay đã nhiều năm và luôn vững vàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Gần gũi, cùng nhau chia sẻ với các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cầm tay chỉ việc cho các hộ vay, nắm bắt sát sao hoàn cảnh thành viên vay vốn, chị Tứ luôn thực hiện tốt các nội dung ủy thác tín dụng đã ký với NHCSXH. Chúng tôi luôn đặt niềm tin vào chị - nữ thủ lĩnh vững vàng của mạng lưới tín dụng ưu đãi ở cơ sở.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/nu-thu-linh-vung-vang-cua-mang-luoi-tin-dung-uu-dai-o-co-so.html

URLs in this post:

[1] “Không có việc gì khó...”: https://vbsp.org.vn/khong-co-viec-gi-kho.html

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2015/05/HT.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.