- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Nỗ lực làm giàu

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 11/01/2019 @ 3:23 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

Vay vốn 40 triệu đồng từ NHCSXH, vợ chồng chị Nguyễn Thị Cam mua máy xe nhang tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập [1]

Vay vốn 40 triệu đồng từ NHCSXH, vợ chồng chị Nguyễn Thị Cam mua máy xe nhang tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập

Chú trọng đào tạo nghề

Thời gian qua, người dân xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh (Long An) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thực tế ở địa phương. Chủ tịch UBND xã, Đoàn Văn Liệt cho biết: “Nhằm giúp người dân trong xã giảm nghèo, các hội, đoàn thể xã tín chấp NHCSXH huyện 16,4 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay đầu tư phát triển sản xuất. Mỗi hộ được vay từ 20 - 50 triệu đồng, tùy theo nhu cầu. Bên cạnh đó, xã chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi”.

Căn cứ vào số liệu điều tra từng năm, xã phân công cán bộ phụ trách từng xóm, ấp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như nhu cầu về GQVL, đào tạo nghề. Theo đó, xã tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn như đan giỏ nhựa, kỹ thuật trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm,… Mỗi lớp học thu hút trên 35 học viên. Thông qua các lớp học này, người dân được trang bị những kiến thức cơ bản, từ đó áp dụng vào thực tiễn.

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các hội, đoàn thể, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm động lực vượt khó vươn lên thoát nghèo. Toàn xã hiện có 79 hộ nghèo, chiếm 4,26% so với tổng số hộ (giảm 23 hộ so với năm 2017); 141 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người 37 triệu đồng/năm.

Được sự giới thiệu của chính quyền địa phương, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ếch của anh Nguyễn Văn Thời và chị Nguyễn Thanh Tuyền ở ấp Kênh Bích, xã Tân Ninh - hộ thoát nghèo bền vững nhờ mô hình này. Anh Thời chia sẻ: “Trước đây, gia đình chủ yếu trồng lúa nhưng thu nhập thấp nên chuyển sang nuôi ếch. Do nguồn vốn còn hạn hẹp cũng như chưa có kinh nghiệm nên tôi chỉ nuôi được 20.000 con ếch. Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH với số tiền 50 triệu đồng và được tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn, tôi phát triển mô hình lên 200.000 con ếch. Mỗi năm, tôi thu hoạch được 5 đợt, bình quân mỗi đợt từ 5 - 7 tấn. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được mỗi đợt 50 triệu đồng, tùy vào thời điểm, giá cả”.

Phát triển nghề tại địa phương

Thực hiện công tác đào tạo nghề và GQVL năm 2018, xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn và thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018 trên địa bàn”. Theo đó, xã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân như vay vốn phát triển kinh tế, phát triển nghề tại địa phương,…

Các chính sách an sinh xã hội cũng được quan tâm thực hiện. Từ đầu năm 2018 đến nay, xã xây dựng 03 căn nhà tình thương cho hộ nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ của mạnh thường quân, trị giá từ 20 - 40 triệu đồng/căn. Ngoài ra, còn có đoàn đến khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; mạnh thường quân hỗ trợ quà cho hộ nghèo.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được ưu tiên thực hiện. Nhiều lớp đào tạo nghề được tổ chức như kỹ thuật nuôi heo, trồng lúa theo hướng Vietgap, kỹ thuật chăm sóc cây cảnh. Qua đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 65%. Các ngành, nghề đào tạo phù hợp nhu cầu của người dân. Sau khi được đào tạo, người dân có thể tự vận dụng kiến thức, kỹ thuật vào thực tế sản xuất của gia đình để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Các chính sách tín dụng ưu đãi được triển khai kịp thời, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vay vốn để phát triển SXKD của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay, các hội, đoàn thể xã nhận ủy thác cho 796 hộ vay vốn với tổng dư nợ trên 19 tỷ đồng. Hầu hết các hộ đều phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, vươn lên thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Cam ở ấp Ông Quới, xã Thạnh Phú chia sẻ: “Do không có ruộng đất và việc làm ổn định nên vợ chồng tôi làm thuê để trang trải cuộc sống nhưng cũng bấp bênh vì làm theo thời vụ. Nhờ được vay 40 triệu đồng từ NHCSXH, vợ chồng tôi đầu tư mua máy xe nhang để có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Trung bình mỗi ngày, vợ chồng tôi kiếm được 150 nghìn đồng nên cuộc sống đỡ vất vả hơn trước”.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, Trần Hữu Phú cho biết: “Thời gian qua, công tác giảm nghèo ở xã có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn xã hiện có 47 hộ nghèo, chiếm 3,75% so với tổng số hộ. Đời sống của người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người là 41 triệu đồng/năm. Xã tiếp tục huy động các nguồn lực chung tay thực hiện công tác giảm nghèo”.

Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo là một trong những mục tiêu được các địa phương quan tâm. Bằng sự nỗ lực của các cấp, ngành và sự hưởng ứng của người dân, công tác giảm nghèo đạt những kết quả tích cực, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân. Đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của các địa phương nói riêng và tỉnh nói chung.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/no-luc-lam-giau.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/01/14.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.