- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Những triệu phú trên miền sơn cước

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 08/09/2015 @ 10:17 sáng In Tin mới cập nhật | No Comments

Triệu phú Ma Seo Vần trồng dược liệu Actiso [1]

Triệu phú Ma Seo Vần trồng dược liệu Actiso

Từ triệu phú trẻ dân tộc Mông

Chuyện làm giàu của chàng thanh niên Ma Seo Vần, sinh năm 1989 tại thôn Túng Súng, xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà được kể lại khiến những ai đang ấp ủ kế hoạch làm giàu đều muốn đến để học hỏi kinh nghiệm. Ở mảnh đất Lùng Phình, bà con quanh năm chỉ biết trồng ngô kiếm kế sinh nhai thì việc tìm ra loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế thực sự khó khăn. Thế rồi chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã khuyến khích nông dân thử nghiệm trồng cây dược liệu Actiso ở Lùng Phình. Ma Seo Vần quyết định bắt tay vào trồng loại cây mới này với số vốn vay ưu đãi 10 triệu đồng từ NHCSXH huyện Bắc Hà. Vụ Actiso đầu tiên thành công ngoài sức tưởng tượng, 0,5ha cho Vần lãi 90 triệu đồng, số tiền mà vài năm trồng ngô cả gia đình Vần chưa thu được. Người dân thôn Túng Súng từ đó gọi Vần là triệu phú Actiso.

Ma Seo Vần là chàng trai dám nghĩ, dám làm khi anh là người đầu tiên mạnh dạn trồng cây dược liệu trên đất Lùng Phình. Sự cần cù, chăm chỉ của chàng thanh niên người dân tộc Mông chính là phương pháp đem đến thành công trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Ma Seo Vần khẳng định: “Trong thời gian còn loay hoay chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì để có thu nhập ổn định nuôi sống cả gia đình, tôi đã được vay vốn ưu đãi, đó là cơ sở để tôi được như hôm nay”. Với các hộ đồng bào DTTS, khó khăn trong tìm đường phát triển kinh tế là một chuyện nhưng thiếu vốn lại khiến các ý tưởng làm giàu bị gác lại. Do vậy với người dám nghĩ, dám làm như Ma Seo Vần thì vốn vay NHCSXH đã tiếp sức để anh hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên mảnh đất cằn cỗi, khó khăn.

Đến lão nông làm du lịch

Thôn Na Lo, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà tập trung chủ yếu đồng bào người Tày, Nùng sinh sống. Kinh tế của các gia đình hầu hết phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp như: trồng lúa, trồng rau. Cũng như các hộ gia đình khác, gia đình ông Vàng A Văn nhiều năm qua chỉ biết trồng một vụ lúa và một vụ màu làm kế sinh nhai.

Một lần, có đoàn khảo sát địa chất xin ở nhờ nhà ông Văn, thấy nếp sống của người Tày ngăn nắp, cách sinh hoạt và ẩm thực đậm đà bản sắc, đoàn khảo sát địa chất đã gợi ý gia đình sửa sang lại nhà cửa, xếp gọn đồ đạc đón khách du lịch. Nghe thấy có vẻ hợp lý, ông Vàng A Văn vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện Bắc Hà để sửa chữa công trình phụ và sắm sửa đồ đạc phục vụ khách du lịch. Ngôi nhà của ông Vàng A Văn nhìn ra một cánh đồng lớn, hai bên là vườn mận tam hoa đến mùa xuân là khoe sắc. Đây chính là điểm hấp dẫn để du khách nước ngoài muốn lưu lại nghỉ ngơi trong thời gian dài. Theo ông Vàng A Văn, mở dịch vụ du lịch tại nhà đem lại thu nhập ổn định cho gia đình mà nhàn hơn làm nông nghiệp, tuy nhiên ông bà vẫn duy trì việc trồng lúa và trồng rau để cung cấp thực phẩm phục vụ du khách nước ngoài muốn ăn các món Việt Nam. Ông Văn kiêm luôn hướng dẫn khách du lịch thăm quan một số điểm đẹp lân cận, còn vợ ông là đầu bếp phục vụ các món ăn thuần Việt và những món đặc trưng của dân tộc Tày.

Từ vốn vay ưu đãi, gia đình ông Vàng A Văn đã có cơ sở để đón khách du lịch, cũng từ đây, thu nhập của gia đình ổn định, thậm chí còn tạo ra “xu hướng” phát triển du lịch mới cho vùng đất của những điệu xòe Tà Chải.

Chính phủ quan tâm đến đối tượng là đồng bào DTTS

Tạo kế sinh nhai cho đồng bào DTTS, giúp họ giảm nghèo, vươn lên làm giàu là mục tiêu quan trọng được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện thông qua một số chương trình, dự án hướng về vùng đồng bào DTTS. Trong số 12 chương trình cho vay của NHCSXH thì cho vay hộ đồng bào DTTS được triển khai với nhiều ưu đãi và thủ tục cũng ưu đãi. Đến thời điểm này, có trên 1.400 khách hàng là đồng bào DTTS còn dư nợ với doanh số cho vay đạt 8 tỷ đồng. Số vốn này được các hộ sử dụng chủ yếu phát triển chăn nuôi, trồng trọt.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Lào Cai Nguyễn Hải Hà, cho biết: Để nguồn vốn chính sách đạt hiệu quả, ngân hàng đã phối hợp với 4 tổ chức hội, đoàn thể, thông qua hơn 2.500 Tổ tiết kiệm và vay vốn để kịp thời tuyên truyền chính sách vay vốn đến từng thôn, bản xa xôi. Bên cạnh đó, các tổ chức hội, đoàn thể đã trực tiếp hướng dẫn cách thức phát triển kinh tế để các hộ đồng bào dân tộc sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, triển khai cho vay hộ đồng bào DTTS tại tỉnh Lào Cai vẫn còn nhiều thách thức khi khí hậu, thời tiết tại vùng cao vô cùng khắc nghiệt, hạn hán, mưa đá, lũ quét liên tục xảy ra gây ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế ở các hộ dân tộc. Bên cạnh đó, một số nếp nghĩ, tập tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ trong cộng đồng dân tộc khiến phương thức sản xuất mới khó phát huy tác dụng. Mặt khác, mức vay các chương trình tín dụng ưu đãi con thấp, trong tình hình hiện nay, với số tiền này khó có thể hiện thực hóa một mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Do vậy, các hộ có nhu cầu vay vốn đều mong muốn nâng mức vay cho phù hợp với điều kiện hiện nay để họ gần hơn với giấc mơ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/nhung-trieu-phu-tren-mien-son-cuoc.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2015/09/Tri-u-phú-Ma-Seo-V-n-tr-ng-.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.