- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Những ngày bấn loạn lo tiền học của tân sinh viên nghèo

Posted By On 21/12/2012 @ 3:47 sáng In Tin mới cập nhật | No Comments

Chỉ còn ít ngày nữa, năm học mới 2012 - 2013 được khai giảng, chào đón những tân sinh viên, các em và gia đình lại có những áp lực về những chi phí trong quá trình học tập... [1]

Chỉ còn ít ngày nữa, năm học mới 2012 - 2013 được khai giảng, chào đón những tân sinh viên, các em và gia đình lại có những áp lực về những chi phí trong quá trình học tập…

 Trong lúc nhiều gia đình bạn bè tổ chức đãi tiệc linh đình mừng thi đỗ vào đại học, thì Lý Hoài My (lớp 12 trường THPT Nguyễn Huệ) vẫn chưa biết mình có thể vào giảng đường được không. Em đã có giấy báo trúng tuyển của Đại học Quy Nhơn và rất khát khao đi học. Ngày 28/8 là nhập trường, nhưng tiền là vấn đề khó khăn.

Cả xóm chợ cũ (khu phố Ninh Tịnh II, phường 9, TP. Tuy Hòa) ai cũng biết gia cảnh anh Lý Văn Giác. Nhà nghèo có mã số (0Z 253), một mình anh gà trống nuôi hai con ăn học. Mới đây, có người của bưu điện tìm đến nhà, mọi người mới biết con gái út của anh là Lý Hoài My đã đậu đại học.

Thủ tướng đồng ý cấp 2.500 tỷ đồng cho NHCSXH để cho vay HSSV

“Để có đủ nguồn vốn và không tạo áp lực về nguồn vốn cho vay học kỳ I năm học 2012 - 2013 tới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đồng ý cấp 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình PRSC 10 cho NHCSXH để cho vay HSSV”.

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển ngành Tài chính - Ngân hàng (Đại học Quy Nhơn) với số điểm 15,5, cha con anh Giác mừng tủi đan xen, trăm nỗi tơ vò. Cả hai cha con đều hiểu rằng, con đường phía trước là quá gập ghềnh, chông gai. Thắp nén nhang cho người vợ, người mẹ trẻ xấu số, hai cha con chỉ biết quay lưng lau nước mắt…

Chỉ còn ít ngày nữa là nhập học, cả hai cha con đều “bấn loạn”. Cha chạy vạy mượn tiền, con thì trăm mối lo nghĩ cho cuộc sống sinh viên không một đồng tiền trong túi. Anh Giác cho biết đã dồn hết tiền tiết kiệm, mượn người thân được 2,5 triệu (đúng bằng số tiền học phí nhà trường thông báo), còn tiền đi lại, ở trọ, ăn uống của con gái sau đó vẫn là câu hỏi lớn.

“Ba sẽ xin cơ quan ứng hai tháng lương để đưa con đi học, rồi tính tiếp”, anh Giác quả quyết nói với con gái. Có người mách anh đến NHCSXH vay cho sinh viên nghèo vượt khó nhưng anh Giác vẫn chưa thông vì: “Khoản vay cũ từ chương trình cho vay hộ nghèo đến tháng 9 này là đến hạn, anh chưa biết làm thế nào để trả”.

Đôi mắt ngân ngấn, Lý Hoài My tâm sự: “Không ít lần cháu khóc thầm vì tủi thân, mặc cảm với bạn bè. Nhưng điều đó giờ với cháu không quan trọng nữa, cháu sẽ mạnh mẽ hơn để bắt đầu với cuộc sống sinh viên tự lập. Cháu đã hứa với mẹ là bất cứ giá nào cháu cũng phải học, học thật giỏi để trở thành doanh nhân chân chính”.

 Ngôi nhà cấp 4 gọn gàng, yên lặng nằm sâu trong con hẻm bê tông. Trong nhà trống hoác, gian bếp chỉ có nồi cơm điện, vài cái nồi con và kệ chén… Giá trị nhất là chiếc tivi nội địa 17 inch mua cách đây 7 năm và xe đạp điện cũ của người họ hàng thương tình vừa cho. Anh Giác ngại bộc bạch về gia cảnh với người ngoài vì sợ con gái sẽ mặc cảm.

Năm 1982, anh Giác (sinh 1962) đi bộ đội chiến trường Campuchia thuộc đơn vị pháo cao xạ. Năm 1986 xuất ngũ phục viên, anh lấy vợ. Vợ làm thợ may, anh chở bia tươi bỏ mối cho các đại lý. Vất vả, nhưng kiếm tiền cũng khá, hai vợ chồng dành dụm mua được đất ở phường 2 (nay thuộc phường 8), ra riêng cất nhà ở tạm. Tai họa ập xuống khi vợ anh sinh con đầu lòng năm 1991. Mắt chị bỗng dưng mờ dần, rồi một mắt không nhìn được. Năm 1994, chị sinh con thứ hai Lý Hoài My, nửa năm sau thì cả hai mắt đều hỏng.

Anh Giác đưa vợ vào Sài Gòn chữa trị hai lần, nhưng bệnh viện chào thua. Dồn hết tiền dành dụm, vay mượn, anh lại đưa vợ ra Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) để mổ nhưng không có kết quả vì chị bị ung thư não. Năm 2000 thì chị qua đời, để lại cho anh 2 con nhỏ và một “gia tài nợ”. “Tôi bán nhà trong phố trả bớt nợ, ra ngoài này mua đất cho rẻ, để lại một ít cất nhà từ năm 2004″, người đàn ông bộc bạch. 

“Cái eo” vẫn chưa buông mấy cha con anh. Thấy bạn bè nuôi tôm có lãi, nghe bạn khuyên, anh Giác vay NHCSXH 8 triệu đồng với lãi suất ưu đãi dành cho hộ nghèo, đầu tư nuôi tôm sú ở tận Ninh Hòa. Những tưởng có tiền nuôi con ăn học, không ngờ cây bão năm đó “hốt” sạch tôm quăng ra biển. Mấy cha con chỉ biết ngậm ngùi, nuốt nước mắt, tằn tiện hết mức để đối diện với cuộc sống…

Không nghề nghiệp, anh Giác hàng ngày đi làm thuê trong xóm, ai mướn gì làm nấy kiếm sống qua ngày. Năm ngoái, anh xin được chân bảo vệ ban đêm ở Đại học Xây dựng miền Trung, lương tháng 1,1 triệu đồng, gần đây tăng thêm được 200.000 đồng mỗi tháng. Vậy là cả gia đình ba miệng ăn đều trông chờ vào chừng ấy tiền. Bữa cơm của ba cha con chỉ có 3 món thường trực: cơm trắng, rau luộc và nước mắm, lâu lâu mới có cá, nhưng cũng phải muối sư để chiên ăn dần…

Vất vả nhưng cả hai con anh Giác đều học hành đàng hoàng. Con trai đầu Lý Quang Huy đang là sinh viên trường Đại học Xây dựng miền Trung hệ cao đẳng xây dựng. Con gái út Lý Hoài My chăm ngoan học giỏi, suốt 12 năm học đều nhận được phần thưởng và học bổng. Nhờ đó mà My không phải tốn tiền cho việc mua sách vở và có tiền để giúp ba trang trải một phần. 

Chị Tư hàng xóm anh Giác cho biết: “Không khi nào thấy bé My đi chơi, biết nhà khổ nên cháu lo học để có học bổng. Mà cũng không bao giờ thấy cháu My đưa bạn về nhà chơi. Cháu ngại”. 

Cám cảnh trước cô học trò nhà nghèo chăm học, cô Nguyễn Thị Thu Thi (giáo viên dạy Vật lý trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh) ở gần nhà kêu em sang học kèm mà không lấy tiền. Thầy Lê Hiền, chủ nhiệm lớp 12TL7, nhận xét về cô học trò: “Hoàn cảnh khó khăn nhưng em My là học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt, là cán bộ của lớp. Nhà trường cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ thông qua các chương trình học bổng”.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/nhung-ngay-ban-loan-lo-tien-hoc-cua-tan-sinh-vien-ngheo.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2012/12/10920.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.