- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

NHCSXH Việt Nam và bài học từ câu chuyện “Ngân hàng Nhà nước phục vụ ai”

Posted By On 10/12/2012 @ 1:54 sáng In Công tác Đảng | No Comments

 Bác hỏi:

- Các cô, chú làm gì đấy?

Anh Đoàn Duy Bảo đứng lên thưa:

- Dạ thưa Bác, đây là bàn tiết kiệm của ngân hàng đặt tại nhà máy.

Bác cầm một quyển sổ lên, hỏi.

- Nhà máy có bao nhiêu người gửi tiền tiết kiệm?

Anh Bảo thưa:

- Dạ, có tám mươi phần trăm người gửi ạ.

Bác gặng:

- Thế còn hai mươi phần trăm nữa thì sao?

Anh Bảo báo cáo:

- Dạ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Thấy các cán bộ ngân hàng trả lời chưa đúng vào câu hỏi có lẽ là khó, Bác tìm hiểu sang vấn đề khác.

- Mỗi lần được gửi bao nhiêu?

- Dạ, gửi từ một đồng trở lên ạ.

Bác nói:

- Thế Bác có một hào, có gửi được không?

Tất cả, từ Giám đốc nhà máy, Bí thư chi bộ, cán bộ ngân hàng, quỹ tiết kiệm đều không trả lời được.

Cho đến năm 1996, nhân dịp kỷ niệm “45 năm mùa sen nở” của ngành ngân hàng, anh Bảo giờ đã trở thành cụ Bảo mới tâm sự với các cán bộ ngân hàng trẻ rằng:

“Mãi về sau tôi mới hiểu ra rằng Ngân hàng Nhà nước ta là ngân hàng của dân, do dân, vì dân, nên trước hết là phải giúp đỡ dân, giúp đỡ người nghèo có vốn, để làm kinh tế. Chẳng hạn, sẵn sàng nhận gửi, dù là một lần nhận gửi với số tiền rất ít”. *

Chủ tịch Hồ Chí Minh cả cuộc đời hy sinh cho sự nghiệp Cách mạng, cho dân tộc, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân ta và của toàn nhân loại: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” * *

Hiện nay, dù đã đạt được những thành công to lớn trong công cuộc đổi mới, nhưng nước ta còn rất nhiều hộ nghèo và hộ thuộc diện chính sách. NHCSXH thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 4/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện một sứ mệnh hết sức to lớn đưa các chính sách ưu đãi của Chính phủ tới người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, là nhân tố quan trọng trong cuộc cách mạng XĐGN mà Chính phủ đã cam kết trước nhân dân và cộng đồng quốc tế. Đây thực sự là một ngân hàng hoạt động như chính mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Và thực tế, qua 5 năm hoạt động đã chứng minh điều ấy.

Thứ nhất, đây là một tổ chức tín dụng lớn nhất ở Việt Nam cung cấp tài chính tín dụng vi mô ưu đãi tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với 8.649 điểm giao dịch trực tiếp tại xã, với hơn 190 ngàn Tổ TK&VV có mặt tại khắp các thôn, bản trên cả nước và hàng trăm ngàn cán bộ không biên chế đang sát cánh cùng NHCSXH đưa vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ về với bà con dân nghèo. Hộ nghèo được tạo điều kiện tối đa bằng các thủ tục vay vốn đơn giản, tận tình, không chi phí. 5 năm hoạt động, đã có 7,2 triệu lượt hộ nghèo vay vốn. Đến cuối năm 2007, còn 4,066 triệu hộ nghèo còn dư nợ. Trong đó, 1,232 triệu hộ nghèo vượt qua chuẩn hộ nghèo theo quy định của Chính phủ sau khi vay vốn. Một con số hết sức ấn tượng và ý nghĩa.

Thứ hai, NHCSXH Việt Nam đang triển khai hầu khắp các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo ở mọi lĩnh vực, từ cho vay ưu đãi hộ nghèo, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn…, tới cho vay hộ gia đình SXKDVKK. Như vậy, được sự tin tưởng của Đảng, Chính phủ, cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức chính trị-xã hội, sự đồng tình của người dân, NHCSXH Việt Nam đang thực sự là một ngân hàng của dân, vì dân và phục vụ lợi ích của dân, bất kể đó là một người dân nghèo và đối tượng chính sách nào.

Thứ ba, chưa có một tổ chức tín dụng nào mà người dân nghèo lại được thụ hưởng nhiều lợi ích ngoài việc được cấp tín dụng ưu đãi. Đó là quyền được tiếp cận với các chủ trương, chính sách, được tư vấn cách làm ăn, phát triển kinh tế, được sinh hoạt tổ, tương trợ không những từ phía Chính phủ, các hội, đoàn thể mà từ chính sự đoàn kết của người nghèo. Có nhìn tận mắt chứng kiến những người dân nghèo ở những vùng sâu, vùng xa, hải đảo và miền núi thay đổi và chuyển biến trong nhận thức mới thấy rõ những nỗ lực của NHCSXH.

Thứ tư, đã thực sự có một cuộc cách mạng to lớn vì sự nghiệp XĐGN thông qua mô hình quản lý và uỷ thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Mô hình này một mặt huy động được sức mạnh tổng hợp được toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội, thực hiện được cơ chế quản lý, giám sát dân chủ, công khai, từ cơ sở. Một mặt làm cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn, tránh thất thoát, đúng đối tượng và gắn kết tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư và phát triển nông nghiệp, nông thôn theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN.

Thứ năm, người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội được thực hiện những hoạt động kinh tế phù hợp với mong muốn: Vay vốn nhỏ lẻ, phù hợp với nhu cầu tín dụng, gửi tiết kiệm, và sinh hoạt xã hội. Tất cả đều được thực hiện tại thôn bản nơi họ cư trú mà không phải đi lại tốn kém bất cứ chi phí nào.

Có thể nói, cùng với sự nỗ lực không ngừng, NHCSXH đã và đang thực sự là một ngân hàng của dân, vì dân và hoạt động để phục vụ bất cứ lợi ích nào của những người dân nghèo. Một ý nghĩa của câu chuyện nhỏ, một lời dạy của Bác Hồ đang là kim chỉ nam, là mục tiêu phấn đấu cho tất cả các cán bộ viên chức NHCSXH vì mục tiêu mang lại ấm no, hạnh phúc cho tất cả những người dân nghèo.

Ghi chú:

* Theo cuốn sách Bác Hồ - Con người và phong cách

* * Trả lời các Nhà báo nước ngoài, tháng 1/1946


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/nhcsxh-viet-nam-va-bai-hoc-tu-cau-chuyen-ngan-hang-nha-nuoc-phuc-vu-ai.html

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.