- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Nguồn lực tiếp sức cho hộ nghèo vươn lên

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 19/06/2019 @ 10:00 sáng In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

Chị Nguyễn Thị Loan ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ vay vốn tín dụng chính sách phát triển mô hình nuôi dê [1]

Chị Nguyễn Thị Loan ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ vay vốn tín dụng chính sách phát triển mô hình nuôi dê

Đòn bẩy giúp hộ nghèo
Được hỗ trợ vay 35 triệu đồng từ nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Vĩnh Long, gia đình anh Nguyễn Hoàng Thành ở xã Chánh Hội, huyện Mang Thít đã đầu tư nuôi 2 con bò. Không chỉ được hỗ trợ vốn vay, anh Thành còn được tham gia các lớp tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò tại nhà nên đàn bò phát triển tốt. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gia đình anh có động lực để làm ăn, nhờ đó vươn lên thoát nghèo. Anh Thành chia sẻ, gia đình mong muốn được vay thêm 40 triệu đồng nữa để thuê đất trồng cỏ và phát triển thêm đàn bò.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn Lê Hoàng Hậu cho biết, các chính sách ưu đãi của Chính phủ về tín dụng đã thực sự đi vào cuộc sống người dân, trở thành đòn bẩy giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS. Theo thống kê, dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đạt trên 37,8 tỷ đồng với 3.114 hộ còn dư nợ.
Thời gian qua, NHCSXH đã quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi về vốn, thời hạn, lãi suất ưu đãi cho đồng bào DTTS. Thông qua các chương trình cho vay, các hộ đồng bào DTTS đã có vốn để đầu tư, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các hộ còn tích cực tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, cùng giúp nhau kinh nghiệm trong SXKD để thoát nghèo.
Điển hình như ông Thạch Tùng ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn. Năm 2017, ông được vay 42 triệu đồng từ nguồn vốn của NHCSXH để đầu tư nuôi một con bò, làm chuồng trại, mua rơm. Sau gần 2 năm chăm sóc, ông bán con bò với giá 50 triệu đồng. Số tiền lãi có được gia đình ông tiếp tục đầu tư nuôi thêm 3 con bò và đang trong quá trình phát triển tốt. Đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo và trở thành một trong những hộ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Long Trần Hùng cho biết, tín dụng chính sách cùng với chương trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và hạn chế tình trạng HSSV bỏ học do gia đình khó khăn về tài chính.
Đặc biệt, nguồn vốn ưu đãi đã tạo động lực cho người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, SXKD hiệu quả. Nhiều mô hình, dự án làm ăn hay được nhân rộng, góp phần giúp các hộ từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững như: Mô hình chăn nuôi bò, trồng bưởi da xanh, nuôi ba ba, trồng chôm chôm…
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hơn 20.000 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo, giải quyết việc làm cho 5.615 lao động, giúp cho 4.412 HSSV có vốn để trang trải chi phí học tập, hơn 70.000 hộ được xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh, 883 hộ nghèo được hỗ trợ vốn vay xây nhà…
Nâng cao hiệu quả nguồn vốn

Mô hình nuôi bò từ nguồn vốn tín dụng chính sách của gia đình Anh Thạch Tùng ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn [2]

Mô hình nuôi bò từ nguồn vốn tín dụng chính sách của gia đình Anh Thạch Tùng ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn

Giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Long Trần Hùng chia sẻ, trong thời gian tới, đơn vị phấn đấu đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; tập trung cho vay các chương trình mới, ưu tiên đầu tư cho các đơn vị còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu xây dựng nông thôn mới… Đến hết năm 2019, dư nợ của NHCSXH tỉnh sẽ đạt trên 2.000 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu này, ngân hàng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, đặc biệt đối với các đơn vị có chất lượng còn thấp hoặc chưa ổn định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của tín dụng chính sách; tích cực phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương trong đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, nợ tồn đọng lâu ngày.
NHCSXH tỉnh chỉ đạo các Phòng giao dịch tổ chức giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách, thu hồi và xử lý tốt nợ đến hạn trong năm để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng; phối hợp các địa phương, các tổ chức nhận ủy thác hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch trong việc bình xét…
Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh và các hội, đoàn thể phối hợp thực hiện tốt công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ cơ sở; phối hợp với các ngành chuyên môn triển khai tập huấn, truyền thụ những kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ để người vay sử dụng vốn hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện, NHCSXH phối hợp với địa phương, các tổ chức nhận ủy thác thường xuyên theo dõi, giám sát để phát hiện, biểu dương và nhân rộng các mô hình, tấm gương hộ nghèo vay vốn làm ăn có hiệu quả, thoát nghèo để các hộ khác cùng phấn đấu vươn lên.

 


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/nguon-luc-tiep-suc-cho-ho-ngheo-vuon-len.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/06/vinhlong1.jpg

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/06/vinhlong2.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.