- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Ngọn hải đăng trên đảo Hòn Tre

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 31/10/2017 @ 3:26 chiều In Tin mới cập nhật | No Comments

Cán bộ NHCSXH huyện Kiên Hải thăm mô hình nuôi cá lồng của ông Châu Hạnh Phúc [1]

Cán bộ NHCSXH huyện Kiên Hải thăm mô hình nuôi cá lồng của ông Châu Hạnh Phúc

Huyện Kiên Hải có 4 xã là An Sơn, Hòn Tre, Lại Sơn và Nam Du thì Hòn Tre là xã gần đất liền, thành phố Rạch Giá nhất. Với khoảng gần một giờ đồng hồ đi từ Rạch Giá trên tàu cao tốc, chúng tôi đã đến với nơi đây.

Rời boong tàu, đã thấy một người đàn ông dáng người hơi đậm, mặc chiếc áo sơ mi màu hồng cánh sen - ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc NHCSXH huyện Kiên Hải cùng một cán bộ nữa đang đứng đón đoàn.

Phong cách nhanh nhẹn và cách nói chuyện dí dỏm, hài hước đã khiến cánh nhà báo ấn tượng với vị Giám đốc đến từ quê lúa Thái Bình này ngay từ những phút đầu. “Muốn làm gì thì làm, cứ mời các anh chạy vòng quanh đảo cái đã. Ở đảo thì không thể có đường dành cho ô tô nên mời các anh lên xe máy”, ông Trung vui vẻ nói.

Nhân lực của NHCSXH huyện Kiên Hải chỉ có 5 người. Trong số đó, thì 2 nhân viên nữ đang nghỉ chế độ thai sản, còn lại 3 anh em đàn ông thì một người phải xuống xã nên lực lượng “áo hồng” ở đây càng thêm mỏng. Vòng quanh đảo gần 13km chúng tôi cảm thấy rất dễ chịu với không khí trong lành, nhưng các cán bộ ngân hàng cho biết, ở lâu mới thấm thía sự thiệt thòi khi chọn công tác ở đây.

Đó là các dịch vụ, tiện ích; chăm sóc sức khỏe, học hành… thì rõ ràng kém xa trong đất liền. Ở xã đảo Hòn Tre này đã không ít lần người ốm đã tử vong do chưa kịp đưa vào bệnh viện tuyến trên ở trong thành phố Rạch Giá. Vậy nên, dù những cán bộ ngân hàng này không hề chia sẻ, nhưng trong sâu thẳm trái tim, tôi hiểu rằng họ gắn bó với đảo vì sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Và giờ đây, họ ở lại vì trách nhiệm với công việc mình đã chọn.

Chẳng hạn như ông Trung, một người rời quê lúa Thái Bình đến với xã đảo Hòn Tre này cách đây đã 25 năm. Trước khi về làm việc cho NHCSXH, ông là người của Kho bạc Nhà nước.

Vừa đi ông vừa chỉ vào một khu vực có một cái cổng khá to, phía trong có những trụ sở cơ quan và nói: “Giới thiệu với các anh, đây là khu hành chính của huyện với đầy đủ 33 ban, ngành. Mặc dù nhiều cơ quan nhưng mỗi đơn vị cũng chỉ mấy người thôi. Đơn vị nào có khách là cả khu đều biết và cùng nhau đón tiếp”, ông Trung chia sẻ.

Nhìn vào các tấm biển treo trước cửa các đơn vị có thể thấy là đầy đủ các cơ quan từ huyện ủy, UBND cho tới các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, trong lĩnh vực ngân hàng thì có Agribank và NHCSXH.

Phần lớn cán bộ NHCSXH ở đây đều có nhà ngay tại Hòn Tre. Gia đình Giám đốc NHCSXH huyện Kiên Hải chỉ cách trụ sở làm việc vài trăm mét nên rất thuận lợi trong việc bám sát cơ sở. Gắn bó với nơi này đến mức ông Trung có thể nhớ cả số nhà và hoàn cảnh gia đình của khoảng 80% số hộ dân sống trên đảo Hòn Tre.

Đi trên đảo, người dân chào hỏi và nói chuyện với ông rất thân mật. Cả huyện Kiên Hải chỉ có khoảng 25 nghìn người, trong đó riêng xã Hòn Tre có dân số là 4.350 người với 823 hộ. Về cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH thì dư nợ của Kiên Hải cũng ở mức khiêm tốn so với nhiều huyện trong đất liền.

Tính đến nay, dư nợ cho vay đạt mức 90 tỷ đồng, trong 4 xã thì Hòn Tre có dư nợ cao nhất với 28,7 tỷ đồng. Còn lại dư nợ lần lượt tại các xã Lại Sơn là 26,1 tỷ đồng, Nam Du 19,2 tỷ đồng và An Sơn 15,5 tỷ đồng. Do địa hình núi đá nên người dân ở các xã đảo này chủ yếu vay vốn để trồng một số loại cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng như xoài, mít, cóc hoặc nuôi cá lồng, cá bè, mua lưới cụ để đánh bắt hải sản.

Vợ chồng ông Trịnh Xuân Hồng đang thu hoạch quả cóc để đưa vào bán trong đất liền [2]

Vợ chồng ông Trịnh Xuân Hồng đang thu hoạch quả cóc để đưa vào bán trong đất liền

Điển hình là hộ ông Trịnh Xuân Hồng ở ấp I, xã đảo Hòn Tre từng bắt đầu quen thuộc với địa chỉ NHCSXH Kiên Hải từ hồi năm 2010. Gia đình ông được vay 15 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo. Có vốn, gia đình ông đầu tư vào trồng xoài và chăn nuôi quy mô nhỏ với hiệu quả tốt. Sau khi trả cả tiền gốc và lãi cho ngân hàng, ông Hồng mở rộng trồng trọt và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH dành cho hộ mới thoát nghèo với số tiền 40 triệu đồng.

Đến nay, diện tích đất 12.000m² của ông Hồng đã được trồng khá nhiều loại cây ăn trái như gần 100 cây xoài, xen lẫn hàng chục cây mận (roi), cây cóc và mít. Hiện nay, trừ các chi phí, mỗi năm gia đình ông Hồng thu nhập khoảng từ 140 - 150 triệu đồng.

“Nguồn vốn của NHCSXH rất ý nghĩa với gia đình tôi, nhất là phương thức cho vay đơn giản, không cần phải thế chấp, lãi suất ưu đãi nên phù hợp với thu nhập, điều kiện trồng trọt chăn nuôi của hộ nghèo và mới thoát nghèo”, ông Hồng chia sẻ. Ngoài vốn vay dành cho hộ mới thoát nghèo, gia đình ông Hồng còn được NHCSXH cho vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và cho vay vốn chương trình tín dụng HSSV.

Còn ông Châu Hạnh Phúc ở xã Hòn Tre lại thành công với mô hình nuôi cá lồng, và cũng được sự hỗ trợ từ đồng vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH. Từng là quân nhân nên ông Phúc vẫn giữ phong cách nhanh nhẹn. 20 lồng cá gồm cả cá mú, cá bóp, cá chẻm, hiện nay mang lại thu nhập cho gia đình ông Phúc khoảng 200 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ đi các chi phí.

Ông Phúc tâm sự: “Trước đây tôi thường đi đánh bắt ngoài biển, nhưng từ năm 2005 đến nay do ngư trường ngày càng cạn kiệt nên tôi chọn nghề nuôi cá lồng. Nguồn vốn vay 50 triệu đồng của NHCSXH hỗ trợ tôi trong việc mua thức ăn cho cá”.

Chỉ chưa tròn một ngày trên đảo nhưng chúng tôi đã hiểu, sự có mặt của những cán bộ ngân hàng trên những hòn đảo mà bốn bề mênh mông nước không chỉ là thực hiện nhiệm vụ mang đồng vốn ưu đãi đến với bà con, mà trong sâu thẳm còn là tình cảm, sự chia sẻ với người dân vượt qua mọi khó khăn. Và sự có mặt của những ngân hàng trên đảo giống như ngọn hải đăng thắp lên ánh sáng, niềm tin cho người nghèo và đối tượng chính sách để họ vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên đảo nhỏ.

Rời nhà ông Phúc cũng là lúc tiếng còi tàu đang vang vọng - báo hiệu chuẩn bị đến giờ xuất bến quay về đất liền. Nếu có ngày trở lại Kiên Hải, chúng tôi sẽ không chỉ đến với Hòn Tre mà còn tới tất cả các xã đảo. Chúng tôi luôn thầm chúc cho những cán bộ ngân hàng, những người dân trên huyện Kiên Hải tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn như con thuyền vượt sóng lớn để đến với bến bờ của hạnh phúc.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/ngon-hai-dang-tren-dao-hon-tre.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2017/11/1ce224cf64e0a538bd39b47611f.jpg

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2017/11/62250cd8d09f2f50e2b853523e8.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.