- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Nâng cao chất lượng tín dụng - Thay đổi từ nhận thức

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 26/05/2017 @ 9:54 sáng In Chi nhánh Hậu Giang,Tin mới cập nhật | No Comments

 

Cán bộ NHCSXH, Tổ tiết kiệm và vay vốn, Trưởng ấp xác định việc xuống từng hộ dân không chỉ để tìm hiểu những vướng mắc của họ mà còn tác động tâm lý để người vay tự tin vươn lên [1]

Cán bộ NHCSXH, Tổ tiết kiệm và vay vốn, Trưởng ấp xác định việc xuống từng hộ dân không chỉ để tìm hiểu những vướng mắc của họ mà còn tác động tâm lý để người vay tự tin vươn lên

Hơn 5 năm về trước, đời sống người dân huyện Phụng Hiệp còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn; tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao của tỉnh Hậu Giang, trên 31%. Toàn huyện  có tỷ lệ nợ quá hạn với NHCSXH chiếm tới 3,42% của tổng dư nợ 220 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2011. Bên cạnh vài ba xã sử dụng vốn vay chính sách đầu tư vào sản xuất đạt kết quả bước đầu, còn số đông trong 15 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện đã để nợ quá hạn, lãi tồn đọng kéo dài, tăng cao trên mức 4% so với tổng dư nợ.

Đơn cử về xã Tân Phước Hưng lúc bấy giờ chỉ vay vốn của NHCSXH khoảng 11 tỷ đồng, nhưng nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 3,6%; lãi tồn đọng là 390 triệu đồng; cả xã thành lập được 28 Tổ tiết kiệm và vay vốn nhưng không có tổ nào được xét chất lượng hoạt động loại khá, tốt, còn tổ bị xếp loại yếu kém chiếm hơn 1/3.

Chủ tịch UBND xã Tân Phước Hưng, Phan Hồng Phước cho biết: “Trước đây, việc quản lý hộ vay gặp nhiều khó khăn do không liền canh, liền cư nên việc thông tin các chính sách đến người dân không được kịp thời. Nhưng từ khi thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng của NHCSXH thì mọi vướng mắc từng bước được tháo gỡ. UBND xã chỉ đạo tất cả các hội, đoàn thể xã phối hợp cùng cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn, Trưởng các ấp, và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn phân tích lại tất cả những khoản nợ quá hạn, lãi tồn kéo dài lập danh sách báo cáo Đảng ủy, UBND xã đồng thời có những giải pháp xử lý phù hợp cho từng trường hợp cụ thể. Cùng với đó, Trưởng ấp bình xét cho vay một cách công khai, dân chủ. Hồ sơ vay vốn phải được thông qua và Trưởng ấp xác nhận, bên cạnh đó cũng có mở sổ theo dõi, quản lý riêng.

Nhờ sự quyết tâm của tập thể trong triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp trên trong 5 năm qua, đến nay chất lượng tín dụng trên địa bàn xã đã có sự chuyển biến. Tổng dư nợ đạt hơn 24 tỷ đồng, tăng 121% khi thực hiện Đề án. Nợ quá hạn 23 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,1% tổng dư nợ, giảm 590 triệu đồng. Không còn nợ bị chiếm dụng. Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt là 23 tổ, chiếm 82% tổng số tổ, không còn tổ xếp loại trung bình và yếu.

Khẳng định hiệu quả của Đề án, ông Nguyễn Văn Việt - Trưởng ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng cho hay: “Sau 5 năm thực hiện công tác củng cố nợ vay, quá trình quản lý hộ vay dễ dàng hơn, không tốn nhiều thời gian đi lại nhưng việc giám sát, kiểm tra hộ vay của người quản lý được chặt chẽ hơn. Còn đối với hộ vay thì được sắp xếp lại nợ. Mặt khác, tùy trường hợp cụ thể mà phía ngân hàng đưa ra phương án trả nợ, cũng như tăng vốn cho vay đối với những hộ có phương án sản xuất hiệu quả, chí thú làm ăn. Qua đó, mở ra cho hộ vay nhiều cơ hội làm ăn mới thông qua các lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, giúp họ định hướng, lựa chọn cách làm mang lại thu nhập cao cho gia đình mình”.

Việc thoát nghèo hiệu quả, phải kể đến sự chung tay của các hội, đoàn thể. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Phước Hưng, Đinh Thị Cẩm Vân chia sẻ, làm công tác phụ nữ ở xã nhiều năm, là người phát động nhiều phong trào và vận động chị em ở các ấp tham gia, gặp nhiều hoàn cảnh vượt khó vươn lên rất xúc động, từ đó, mới thấy tác động của đồng vốn vay ưu đãi đối với phụ nữ nghèo quan trọng như thế nào. Do vậy, cùng với việc phối hợp với ngân hàng bình xét, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, hội còn phối hợp với các cơ quan khuyến nông hướng dẫn chị em kỹ thuật chăn nuôi, định hướng phương án SXKD để sử dụng hiệu quả đồng vốn vay.

Thực tế, ở địa phương cũng có nhiều tấm gương thoát nghèo luôn được chị nhắc mỗi khi đi xuống các ấp để tuyên truyền, vận động người dân. Điển hình như chị Võ Thị Huệ ở ấp Mỹ Thạnh, kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu vào làm rẫy nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Nhờ được vay vốn cộng với việc chăm chỉ làm ăn, tích góp, cuộc sống của chị giờ đã ổn định, thoát nghèo.

Vay được vốn, gia đình chị Lê Thị Út Em ở ấp Mỹ Thạnh chủ động thâm canh vườn cam, quýt [2]

Vay được vốn, gia đình chị Lê Thị Út Em ở ấp Mỹ Thạnh chủ động thâm canh vườn cam, quýt

Hay tấm gương vươn lên thoát nghèo của chị chị Lê Thị Út Em, cùng ấp Mỹ Thạnh. “Từ ngày tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, gia đình tôi đã chủ động thâm canh vườn cam, quýt, bắc đường ống dẫn nước máy sạch về tận nhà sử dụng để đến giữa năm ngoái thoát được nghèo, trả nợ vay trước thời hạn. Nhờ có đồng vốn chính sách, người nghèo chúng tôi làm cái gì cũng phát đạt, cây trồng, chuồng heo, đàn gà năng suất đạt cao”, chị Em xúc động nói.

Cùng với xã Tân Phước Hưng, các xã Thạnh Hóa, Phương Phú, Phương Bình… ở huyện Phụng Hiệp không dừng lại ở việc bình xét công khai, dân chủ cho các đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước và kiện toàn hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn mà đã tập trung phân tích đánh giá từng món nợ quá hạn, nợ lãi tồn đọng để làm cơ sở phân loại chính xác, đồng thời triển khai các biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Phụng Hiệp cùng chính quyền, đoàn thể thường xuyên động viên, nhắc nhở hộ vay vốn thực hiện trả nợ, nộp lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn. Đối với những hộ không có khả năng trả nợ thì kiên trì thuyết phục, hướng dẫn để họ trả dần nhưng cũng gia hạn khung thời gian nhất định; với những trường hợp gặp rủi ro thiên tai, bị xâm nhập mặn, NHCSXH phối hợp với địa phương xem xét mức độ thiệt hại để áp dụng biện pháp khoanh nợ hoặc gia hạn nợ đúng quy định.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Triều khẳng định: “Khi mà nhận thức, tinh thần trách nhiệm được nâng lên thì cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, đặc biệt là sự phối hợp giữa NHCSXH với 4 hội, đoàn thể rất chặt chẽ, tính đồng thuận luôn được thể hiện rất cao. Khi cả hệ thống đã vận động như thế thì người dân cũng thay đổi nhận thức theo. Nếu như trước đây người dân chỉ cần biết được vay thôi, không biết làm gì thì bây giờ được vay là người dân nghĩ ngay đến trách nhiệm phải trả. Do đó đồng vốn được quý trọng hơn, người ta chắt bóp, nâng niu đồng vốn và khi đưa vào sản xuất sẽ có hiệu quả hơn. Từ trách nhiệm của hệ thống chính trị kéo theo sự chuyển biến nhận thức người dân, từ đó dẫn đến kết quả là chất lượng tín dụng tăng”.

Để chất lượng tín dụng phát huy hiệu quả hơn nữa, Giám đốc Nguyễn Thanh Triều khẳng định chi nhánh tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện mà Đề án đã đề ra. Mặt khác, tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, đồng thời tham mưu kịp thời cho NHCSXH Trung ương, UBND tỉnh tháo gỡ những vướng mắc, giúp nguồn vốn đáp ứng kịp thời cho hộ vay.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/nang-cao-chat-luong-tin-dung-thay-doi-tu-nhan-thuc.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2017/05/IMG_9394a.jpg

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2017/05/IMG_9417.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.