- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Lực đẩy thoát nghèo bền vững

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 07/05/2020 @ 12:25 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

4 [3]

Mô hình nuôi dê đã giúp hộ anh Phùn Tắc Quay thoát nghèo bền vững

Gia đình anh Phùn Tắc Quay ở thôn Ngàn Mèo Trên, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu là một trong những hộ mới thoát nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi. Anh Quay cho biết: Cuối năm 2019, gia đình tôi thoát khỏi diện hộ nghèo. Niềm vui nhân đôi khi gia đình tôi lại được tiếp cận nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo với chu kỳ dài, lãi suất hợp lý, nhờ đó gia đình tôi đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Được biết, năm 2018, gia đình anh Quay đã vay vốn NHCSXH để triển khai mô hình nuôi dê thương phẩm. Đến nay, đàn dê trên 20 con của gia đình anh đang sinh trưởng, phát triển tốt, một số đã sinh sản lứa tiếp theo. Nguồn vốn này giúp gia đình anh tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, thoát nghèo bền vững.
Gia đình anh Phùn Tắc Quay cũng như hơn 18.000 hộ mới thoát nghèo khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang thụ hưởng ưu đãi từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Trước đây, nguồn vốn tín dụng ưu đãi chỉ tập trung vào các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Sau khi các hộ thoát nghèo không còn được tiếp tục vay ưu đãi, khó tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng thương mại nên không ít hộ đã tái nghèo trở lại. Qua đó, có thể thấy những hộ mới thoát nghèo cũng là đối tượng cần được quan tâm hỗ trợ vay vốn ưu đãi để tạo nguồn lực, đảm bảo cho thoát nghèo bền vững. Đây cũng là ý nghĩa thiết thực từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH.
Đây là chương trình có dư nợ lớn thứ 2 của NHCSXH tỉnh sau chương trình cho vay giải quyết việc làm. Dự kiến đến hết năm 2020, dư nợ của chương trình sẽ đạt khoảng 620 tỷ đồng. Những năm qua, nguồn vốn này đã phần nào đáp ứng nhu cầu về vốn, giúp người dân tự tin, mạnh dạn hơn trong đầu tư SXKD, qua đó, tiếp tục nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
So với các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo thì các hộ mới thoát nghèo có khả năng quản lý và sử dụng đồng vốn vay tốt hơn vì phần lớn trong số họ đã có kinh nghiệm sản xuất từ đồng vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trước đó. Thông qua chương trình, các hộ vay tiếp tục có điều kiện để mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập; đồng thời hạn chế tình trạng vay nặng lãi, ngăn chặn tín dụng đen đến các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, nguồn vốn này đã góp phần không nhỏ vào kết quả giảm nghèo chung của toàn tỉnh trong 5 năm qua với trên 12.800 hộ đã thoát nghèo. Đồng thời, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,52% vào năm 2019; số hộ cận nghèo giảm từ 3,15% xuống còn 1,64%, hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch giảm 0,7% tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra.
Có thể khẳng định, nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân. Đây là lực đẩy mạnh mẽ, tiếp sức cho các hộ mới thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
Tuy nhiên, để đồng vốn chính sách được sử dụng hiệu quả, chính quyền các cấp và các tổ chức hội, đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn cần định hướng, tư vấn cho hộ vay về phương án làm ăn khi vay; tăng cường giúp đỡ, giám sát hộ vay trong quá trình sử dụng vốn…, qua đó, giúp cho hộ vay hạn chế được các rủi ro, vốn đầu tư sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/luc-day-thoat-ngheo-ben-vung-2.html

URLs in this post:

[1] Đồng hành cùng người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19: https://vbsp.org.vn/dong-hanh-cung-nguoi-lao-dong-gap-kho-khan-do-dich-covid-19.html

[2] Nông dân bám đất, bám ruộng làm giàu: https://vbsp.org.vn/nong-dan-bam-dat-bam-ruong-lam-giau.html

[3] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2020/05/4.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.