- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Lập nghiệp từ nguồn vốn ưu đãi

Posted By On 27/01/2015 @ 5:05 chiều In Người tốt - Việc tốt | No Comments

Vợ chồng anh Mạnh, chị Hương tại xưởng sản xuất [2]

Vợ chồng anh Mạnh, chị Hương tại xưởng sản xuất

Ngày đầu “nhặt rác” làm dây

Trong không khí của những ngày đầu năm mới, dẫn chúng tôi đến xưởng sản xuất nằm ở vị trí “mặt tiền” của xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), chị Đặng Thị Tường Vy -  Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã giới thiệu rằng chủ nhân ngôi nhà này đã khởi nghiệp từ vốn vay của NHCSXH. Chị Vy còn cho biết thêm rằng cách đây 10 năm, cán bộ ngân hàng đến thẩm định hồ sơ trong tình cảnh nơi đây còn là gian nhà ván nghèo nàn, xập xệ… vậy mà đến nay, tất cả đã hoàn toàn đổi khác! Câu chuyện lập nghiệp của vợ chồng anh chị Nguyễn Đức Mạnh không chỉ được các cán bộ ngân hàng, Tổ tiết kiệm và vay vốn ghi nhận mà còn được người dân địa phương nhắc đến khá nhiều.

Từ 20 năm trước, vợ chồng anh Mạnh từ tỉnh Hải Dương vào thành phố Đà Lạt lập nghiệp. Những ngày đầu, hai vợ chồng thuê đất và bắt đầu làm quen với công việc gieo trồng. Sau những ngày vất vả cộng với sự “chắt bóp” trong chi tiêu trong cảnh tha phương, vợ chồng anh Mạnh bắt đầu có vốn tích lũy. Dần dà mua được đất, gia đình mở rộng sản xuất. Cũng trong những ngày tất bật trên mảnh vườn ấy, anh Nguyễn Văn Mạnh nhận ra ở vùng đất mình đến lập nghiệp giữa bạt ngàn vườn cây là các loại bao đựng phân bón, bao đựng vật liệu vương vãi khắp chốn. Trong khi đó, vật dụng mà nông dân cần nhất sau khi thu hoạch lại chính là những loại dây buộc hàng cũng được làm từ chất liệu nilon và nhựa. Khi nảy ra ý tưởng làm dây đai, hai vợ chồng lặn lội khắp các vườn để nhặt bao, nhặt rác, không kể đó là bao sạch hay bao bẩn còn nồng mùi phân hóa học hay cả phân cá. Nhặt về, họ lại rửa từng bao cho sạch, phơi kín hàng rào và bắt đầu mày mò làm dây. Cả hai vợ chồng làm theo cách thủ công, bắt đầu từ việc ngồi băm nát, nhào trộn đều rồi cho vào chạy máy (một loại máy nhập rẻ tiền thời đó). Máy chạy đến đâu, nhựa đông cứng đến đó, họ lại gỡ ra băm nát nhựa rồi tiếp tục cho vào máy chạy. Nhìn việc làm của hai vợ chồng, không ai nghĩ gia đình sẽ thành công vì tiền nước để giặt rửa bao, tiền điện chạy máy còn cao hơn cả kết quả là vài chục mét dây đai ra lò. Anh Mạnh nhớ lại, lúc ấy có bao nhiêu của cải tích lũy và thu nhập từ vườn đều đổ vào chạy máy, làm hỏng nhiều đợt và trở nên trắng tay.

Được hỗ trợ về tài chính khi được vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm, lúc đầu là 3 triệu đồng, sau đó tăng lên 5 triệu đồng. Đồng thời, khi NHCSXH triển khai thêm các chương trình tín dụng, năm 2007 cơ sở lại được tiếp cận với vốn vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn số tiền 20 triệu đồng. Từ đó, gia đình có động lực và nguồn lực để tiếp tục tìm hướng làm kinh tế. Anh vốn là một thợ điện đã nghiên cứu cách điều chỉnh nhiệt để phù hợp với khí hậu Đà Lạt vốn thay đổi nhiều mức độ trong một ngày. Bí quyết đã được rút ra sau những ngày nghiền ngẫm, những mẻ dây đai xuất hiện từ vườn nhà lan sang các khu vườn lân cận và dây đai Mạnh - Hương được biết đến.

Bao tiêu gần 100% thị trường dây đai Đà Lạt

Thành phố Đà Lạt với quy mô sản xuất nông nghiệp lớn, là thị trường hấp dẫn của các đơn vị sản xuất những mặt hàng vật tư nông nghiệp, trong đó có dây đai. Ra đời sau, lại chỉ là một cơ sở nhỏ chưa tên tuổi, vốn ít, cơ sở Thành Phát (tên gọi được đặt sau khi hai vợ chồng anh Mạnh chị Hương sản xuất thành công và đăng ký kinh doanh) “trình làng” bằng hai yếu tố: chất lượng và giá cả. Về những địa phương công nghiệp như Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, anh Mạnh nhận ra các cơ sở sản xuất dây đai ở đây thường sản xuất những dạng dây để buộc các thùng hàng tiêu dùng có trọng lượng không quá lớn. Trong khi đó, tại các nhà vườn Đà Lạt, những thùng hàng đựng các mặt hàng sản xuất nông nghiệp với khối lượng vài ba chục cân rất cần đến các dạng dây chắc chắn. Sau thời gian đầu làm bằng phương pháp thủ công và làm chủ được kỹ thuật, cơ sở đã mua hạt nhựa làm nguyên liệu để sản xuất. Quyết tâm nâng cao chất lượng, sản phẩm dây đai của cơ sở này đã phân bố tỷ lệ nguyên liệu hợp lý để dây chắc chắn, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, với lợi thế sân nhà, chủ động được các khâu đầu vào, “ông chủ” đồng thời là công nhân kỹ thuật chủ lực đã tiết giảm được chi phí, từ đó giá thành giảm từ 10% - 20% so với mặt hàng của các đơn vị sản xuất trước đó. Bà Nguyễn Thị Mai, nông dân trồng hoa ở thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ là khách hàng thường xuyên cho biết, dây đai được sản xuất rất chắc, lại rẻ nên đã chuyển hướng sang sử dụng sản phẩm của cơ sở tại địa phương. Sau gần 10 năm kể từ năm 2006 đến nay mặt hàng dây đai của cơ sở Thành Phát đã chiếm gần 100% thị phần tại Đà Lạt và đang mở rộng đến các huyện khác trong tỉnh.

Từ “hai bàn tay trắng”, vợ chồng anh Mạnh chị Hương đã phát triển kinh tế, khẳng định một hướng đi hợp lý, nhà xưởng mở rộng, tạo công ăn việc làm cho lao động trong vùng. Là một khách hàng có quan hệ lâu năm với NHCSXH và bước đầu thu được những thành công, “ông chủ” Nguyễn Đức Mạnh hy vọng nguồn vốn dành cho hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn sẽ được tăng hạn mức cao hơn để họ có thêm điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất.

Mùa xuân đã đến, những đợt thu hoạch rau, hoa lại càng nhộn nhịp, cơ sở sản xuất dây đai này bước vào những ngày làm việc tăng tốc để phục vụ thị trường dịp tết, hứa hẹn một mùa xuân tràn ngập niềm vui.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/lap-nghiep-tu-nguon-von-uu-dai.html

URLs in this post:

[1] “Đại gia” buôn Phôc: https://vbsp.org.vn/dai-gia-buon-phoc-2.html

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2015/01/ảnh-Lập-nghiệp-từ-nguồn-vốn-ưu-đãi.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.