- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Kiên trung vượt “bão”

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 26/11/2019 @ 3:49 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh giải ngân vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã [1]

NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh giải ngân vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Củng cố niềm tin
Nhớ lại những ngày tháng 4/2016, khi cả nước đang náo nức chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thì sự cố môi trường biển Formosa xảy ra; làm khủng hoảng trầm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh ven biển miền Trung nói chung và người dân Hà Tĩnh nói riêng; khiến lòng dân hoang mang và đầy phẫn nộ.
Thời điểm đó, việc cả xã Kỳ Lợi - một xã công giáo thuộc huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phản đối không đi bỏ phiếu bầu cử; từ chối mọi tiếp xúc với chính quyền sở tại không chỉ khiến chính quyền Hà Tĩnh mà cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, mọi việc đã nhanh chóng được giải quyết bởi sự thuyết phục của các cán bộ NHCSXH tỉnh. Sự kiện này đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ghi nhận, biểu dương tại buổi gặp mặt cán bộ, người lao động NHCSXH nhân dịp đầu Xuân 2017. Phó Thủ tướng cho rằng, chính sự kiên trì, hết lòng đồng hành với người nghèo của cán bộ NHCSXH đã làm cho người dân tin tưởng vào Đảng, vào chế độ mà đi theo, làm theo.
Điểm lại đôi nét về bức tranh kinh tế - xã hội Hà Tĩnh năm 2016 để thấy sức tàn phá khủng khiếp của sự cố môi trường biển gây ra. Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), địa phương này có hơn 22.780 hộ gia đình bị ảnh hưởng, 24.449 người mất việc. Trong đó, hơn 15.000 người đang trực tiếp đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, còn lại là kinh doanh thủy sản và dịch vụ hậu cần 1.000 người, dịch vụ nhà hàng khách sạn gần 700 người, sản xuất muối 428 người. Sự cố cũng đã khiến năm 2016, kinh tế - xã hội Hà Tĩnh xuống dốc thê thảm: 11/19 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; thu ngân sách hụt 2.000 tỷ đồng; đời sống người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách đã khó càng thêm khó…
Trước tình hình đó, Hà Tĩnh đặt mục tiêu ổn định đời sống nhân dân là ưu tiên hàng đầu. Từ đó, chính sách an dân được thực hiện trên mọi phương diện với sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó chính sách tín dụng ưu đãi là một trong những trụ cột giảm nghèo quan trọng được lựa chọn.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu
Sự lựa chọn trúng, đúng, cùng những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân Hà Tĩnh đã được bù đắp khi kết thúc năm 2018, kinh tế địa phương tăng trưởng mạnh với 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng đạt 20,8%; thu ngân sách đạt trên 12.300 tỷ đồng, vượt gần 31% so với kế hoạch. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm nay, kinh tế - xã hội Hà Tĩnh tăng trưởng gần 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá cao trong vòng 5 năm qua và là tỉnh có tốc độ tăng cao thứ 5 trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chia sẻ về kết quả này, đồng chí Lê Đình Sơn, Uỷ viên BCH TW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh không quên nhấn mạnh vai trò, đóng góp của NHCSXH tỉnh với hàng loạt chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời. Đặc biệt, việc ra đời của Chỉ thị số 40-CT/TW đã thêm một lần nhắc nhở cấp ủy, chính quyền Hà Tĩnh chú trọng hơn đến các giá trị nhân văn ẩn sau mỗi chương trình tín dụng. Những khoản vay nhỏ nhưng lại có sức công phá mạnh mẽ vào tư duy, hành động của người nghèo và cả các cấp cán bộ lãnh đạo. Nhờ đó, Hà Tĩnh mau chóng hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới với 25 xã đạt chuẩn, 18 xã thoát ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn và trở thành một trong số ít địa phương trên cả nước dẫn đầu phong trào này. 05 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động mạnh mẽ đến diện mạo nông thôn Hà Tĩnh, trong đó đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 21,7% cuối năm 2014 xuống 6,72% cuối năm 2018.
Đặc biệt, từ nguồn vốn nhỏ bé này đã xuất hiện hàng loạt tấm gương vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Đơn cử như trường hợp của anh Mai Thanh Hưng ở xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh. Trước khi có thảm họa môi trường, đời sống gia đình ngư dân này thuộc hàng khá giả. Song chỉ trong chớp mắt, khi thảm họa xảy ra, mọi công việc đi biển và hậu cần nghề biển của cả hai vợ chồng đều bị ngưng trệ hoàn toàn. “Vốn chỉ biết việc đi biển; khi biển bị ô nhiễm, chúng tôi không việc làm, không thu nhập nên cuộc sống rất khó khăn”, anh Hưng nói. Nhờ sự trợ giúp kịp thời từ NHCSXH, gia đình anh Hưng được vay 50 triệu đồng để tu sửa tàu thuyền và ngư cụ, ra khơi. Đến nay, sau hơn 3 năm khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển, cuộc sống của gia đình anh Hưng đã phục hồi được 80%.
Một điển hình khác là CCB Trần Ngọc Lâm ở thôn Đông Lạc, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ. Từ 50 triệu đồng vốn chương trình cho vay hộ nghèo đã giúp gia đình ông Lâm phát triển trang trại chăn nuôi vịt đẻ trứng; thâm canh vườn rau sạch… cho thu nhập 300 triệu đồng/năm.
Không chỉ gia đình CCB Trần Ngọc Lâm hay gia đình ngư dân Mai Thanh Hưng, mà từ vùng cao biên giới Hương Khê đến thị xã Hồng Lĩnh, đâu đâu cũng xuất hiện những điển hình trong sử dụng vốn tín dụng chính sách. Nguồn vốn nhân văn với sự tận tụy của cán bộ NHCSXH đã và đang giúp Hà Tĩnh chuyển mình, vượt qua giông bão.

Tổng dư nợ tại NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đến nay đạt trên 4.650 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn đã góp phần giúp cho gần 26.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển SXKD; 2.800 lượt HSSV; 3.743 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn vay vốn phát triển kinh tế gia đình; cải tạo gần 20.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/kien-trung-vuot-bao.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/11/43.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.