- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Khi tín dụng chính sách trở thành một trụ cột phát triển kinh tế ở Quảng Trị

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 28/08/2019 @ 8:00 sáng In Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW,Tin mới cập nhật | Comments Disabled

Các cán bộ NHCSXH luôn gần gũi, đồng hành cùng bà con vay vốn Ảnh: Thái Hòa [1]

Các cán bộ NHCSXH luôn gần gũi, đồng hành cùng bà con vay vốn
Ảnh: Thái Hòa

Từ bước chuyển từ tư duy
Một trong những yếu tố làm nên bước chuyển trong công tác tín dụng chính sách đã được tỉnh Quảng Trị đúc kết trong 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 chính là sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức về vai trò của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt là cấp cơ sở, coi đây là nguồn lực quan trọng, là đòn bẩy tài chính giúp người dân tăng năng lực sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm.
Việc Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện từ năm 2015 là một bước để cụ thể hóa trách nhiệm của chính quyền trong công tác giảm nghèo. “Vốn tín dụng chính sách là tĩnh, nó chỉ mang tính động khi chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể vào cuộc cùng dân, động viên họ vay vốn, hướng dẫn cho họ cách làm ăn và sử dụng vốn hiệu quả. Vì vậy ở đâu chính quyền xã chỉ đạo quyết liệt, ở đó tín dụng chính sách hiệu quả”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng đúc kết.
Ví như Hải Xuân là một xã thuần nông, nằm ở phía Đông huyện Hải Lăng, với việc rà soát bổ sung kịp thời danh sách các đối tượng chính sách đảm bảo 100% số hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn đều được vay vốn và không để một học sinh, sinh viên nào trên địa bàn xã không đi học được vì không có tiền đóng học phí và sinh hoạt phí. MTTQ xã, các tổ chức chính trị - xã hội, Trưởng thôn đẩy mạnh tuyên truyền chính sách tín dụng chính sách xã hội đã giúp người dân và các hộ vay vốn hiểu và có ý thức, trách nhiệm hơn đối với khoản vay của mình; có thói quen dành dụm gửi tiền tiết kiệm để trả nợ khi đến hạn. Cùng với việc tăng cường giám sát sử dụng vốn, từ năm 2015 đến nay Hải Xuân là xã không có nợ quá hạn phát sinh.
Đến 30/6/2019 dư nợ cho vay đạt 24.960 triệu đồng/585 hộ còn dư nợ, tăng 50,3%. Hiện gần 90% số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của xã đang còn dư nợ tại NHCSXH. Trong giai đoạn từ 2014 đến tháng 6 năm 2019, số lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn đạt 365 lượt khách hàng với số tiền trên 23.456 triệu đồng góp phần giúp 191 lượt hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo, 107 lượt hộ thoát cận nghèo,…
05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp 132.130 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Quảng Trị được vay vốn từ NHCSXH, trong đó: 48.935 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và 15.935 lượt hộ gia đình tại vùng khó khăn; 11.050 học sinh, sinh viên vay vốn học tập; 6.729 hộ vay để tạo thêm việc mới; xây mới 45.728 công trình nước sạch và vệ sinh, 1.920 nhà ở cho hộ nghèo… Các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hơn 14 ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh, giúp đồng bào tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Hiện có 68.053 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn với tổng dư nợ với đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2014, chiếm 40% tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Chất lượng tín dụng từ khi có Chỉ thị đã được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ giảm từ 0,41% năm 2014 xuống còn 0,18%. Hiện nay toàn tỉnh có 66/141 xã, phường không có nợ quá hạn, chiếm 47% tổng số xã. Đặc biệt đến nay đã có 01 huyện không có nợ quá hạn là Vĩnh Linh.
Từ cách làm sáng tạo riêng có
Xác định nguồn lực địa phương đối với tín dụng chính sách xã hội có vai trò quan trọng, làm đòn bẩy tài chính trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững tại địa phương, 05 năm thực hiện Chị thị số 40, tỉnh Quảng Trị đã bố trí nguồn vốn ủy thác địa phương từ tỉnh đến huyện ngày một cao và thực hiện cấp vốn nhanh chóng từ đầu năm kế hoạch.

Anh Dương Đức Quân ở thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và 12 triệu đồng chương trình NS&VSMTNT, vợ chồng anh Quân đã gây dựng được một trang trại theo mô hình VAC với 100 con lợn, 50 con gà ta, 200 con vịt thịt; đồng thời anh đào ao thả cá, bắt đầu trồng chuối và na, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng Ảnh: Thái Hòa [2]

Anh Dương Đức Quân ở thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và 12 triệu đồng chương trình NS&VSMTNT, vợ chồng anh Quân đã gây dựng được một trang trại theo mô hình VAC với 100 con lợn, 50 con gà ta, 200 con vịt thịt; đồng thời anh đào ao thả cá, bắt đầu trồng chuối và na, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng
Ảnh: Thái Hòa

Đặc biệt trong năm 2019, các Sở, ban ngành trên địa bàn đã tham mưu cho UBND tỉnh chú trọng nguồn lực từ khoản thu hồi các Dự án ODA, Dự án phi chính phủ, tập trung về một đầu mối là NHCXSH để quản lý cho vay. Đây là cách làm sáng tạo, có hiệu quả nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực tài chính trong, ngoài ngân sách để tạo nguồn cho vay. Điển hình như Dự án nâng cao thu nhập thuộc Chương trình Hạnh phúc Quảng Trị, do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ đã được UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 5979/KH-UBND ngày 28/12/2018 giao cho NHCSXH Quảng Trị thu hồi vốn, mở tài khoản quản lý cho vay với số tiền 64.930 triệu đồng, đến nay đã thực hiện thu hồi cho vay số tiền gần 7 tỷ đồng.
“Nhiều dự án trước đây cho không, vừa qua là cho vay, nhưng sau khi kết thúc có thực tế Ban Quản lý dự án cũng đã về nước không thu lại được vốn hoặc thu không hết. Điều này cũng dẫn đến tỉnh không đánh giá được hiệu quả của dự án cũng như tham khảo kinh nghiệm trong việc xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ người dân hiệu quả hơn. Chính vì vậy, việc thu hồi vốn các Dự án ODA, dự án phi chính phủ này vừa giúp tỉnh đánh giá chất lượng dự án, rút kinh nghiệm trong phương thức đầu tư vừa tăng thêm nguồn cho chính địa phương để hỗ trợ người dân khởi tạo sinh kế bền vững”, Giám đốc Nguyễn Đức Đồng cho biết.
Tỉnh cũng đã vận động được 2 doanh nghiệp tư nhân gửi 600 triệu đồng vào NHCSXH không lấy lại để cho vay hộ nghèo. Dù số hộ vay thụ hưởng từ nguồn vốn này còn hữu hạn, song đây cũng là một định hướng của tỉnh trong việc xã hội hóa nguồn lực thực hiện sự nghiệp giảm nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau.
Với cách làm quyết liệt và sự quan tâm đó, nguồn vốn ngân sách toàn tỉnh có mức tăng khá so với trước khi chưa có Chỉ thị số 40. Đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn cho vay đạt 2.572 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2014. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương từ mức 30 tỷ cuối năm 2014, đã tăng lên con số 71 tỷ vào 30/6/2019 chiếm tỷ trọng 3%, với mức tăng 137%, gấp 2,4 lần so với năm 2014.
Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chương mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, tỷ lệ giảm nghèo toàn tỉnh bình quân giai đoạn 2016 đến nay là 1,92%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (quân 1,5-2,0%/năm). Đã có 52/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ 44%, đạt chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (40 - 50%).
Những động lực mới để tỉnh Quảng Trị tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách cũng đang mở ra với quyết tâm nâng cao tỷ trọng vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay, trong đó tập trung nguồn vốn vào các ngành nghề có lợi thế tại địa phương.
Tỉnh cũng đang nghiên cứu xây dựng các đề án sử dụng vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay các đối tượng cần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm như, đề án cho vay xuất khẩu lao động, cho vay hỗ trợ sinh kế khi di dân tái định cư,… để cơ cấu lại nông nghiệp gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Trị đề xuất thêm việc chuyển các nguồn vốn khuyến nông khuyến công, hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ hiện đang phần lớn cho không sang cho vay để tăng sự lan tỏa của nguồn vốn này trong phát triển kinh tế.
Đặc biệt, với việc sẽ xem kết quả thực hiện Chỉ thị số 40 là chỉ tiêu đánh giá người đứng đầu, đánh giá hoạt động của các đơn vị hàng năm, tín dụng chính sách trong những năm tới ở Quảng Trị sẽ có thêm điểm tựa để thực sự trở thành một trụ cột thúc đẩy giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế và hội nhập của tỉnh.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/khi-tin-dung-chinh-sach-tro-thanh-mot-tru-cot-phat-trien-kinh-te-o-quang-tri.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/08/77.jpg

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/08/87.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.