- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Khát vọng đổi đời của chị em phụ nữ

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 27/10/2016 @ 2:58 chiều In Tin mới cập nhật | No Comments

Chị Hoàng Thị Lăng đang chăm sóc vườn bưởi Diễn của gia đình vay vốn từ NHCSXH [1]

Chị Hoàng Thị Lăng đang chăm sóc vườn bưởi Diễn của gia đình vay vốn từ NHCSXH

Nhiều mô hình SXKD giỏi của phụ nữ

Theo chân cán bộ Hội Phụ nữ xã Vinh Quang, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lã Thị Sen thôn Quang Hải. Trong câu chuyện phát triển kinh tế của gia đình, chị Sen nhắc nhiều đến sự giúp đỡ từ nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế. Chị tâm sự, chồng chị mắc bệnh liên quan đến hệ thần kinh não nên tính tình thất thường, chị phải đôn đáo, chạy vạy nuôi 2 con ăn học và chăm sóc chồng. Từ năm 2012 đến năm 2014 gia đình thuộc diện hộ nghèo, nên chị được vay vốn để phát triển chăn nuôi trâu sinh sản cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp khác, đến cuối năm 2015, gia đình chị đã thoát nghèo bền vững. Ngay sau đó, từ chương trình tín dụng chính sách cho hộ mới thoát nghèo của Chính phủ mà chị lại tiếp tục được vay 30 triệu đồng để nuôi 3 con lợn nái, lợn thịt. Hiện 3 lợn nái đã sinh đẻ và chị xuất bán được vài lứa. Bên cạnh đó chị còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hơn 100 gà thịt và trồng 1ha mía, làm ruộng… Thu nhập bình quân một năm của gia đình chị ước đạt cả 100 triệu đồng.

Còn gia đình chị Hoàng Thị Lăng ở thôn Tông Trang chồng mất sớm - cách đây đã hơn 20 năm, trong một vụ tai nạn giao thông, để lại cho chị 2 đứa con còn nhỏ dại. Cuộc sống vốn đã rất khó khăn vì cái đói, cái nghèo, càng cơ cực hơn khi vắng đi người chồng, người cha trụ cột của gia đình. Với bản chất chăm chỉ, cần cù, chịu thương, chịu khó, cùng với sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ và Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn, năm 2011, chị Lăng được vay 10 triệu đồng vốn hộ nghèo, cùng với số tiền tích cóp được sau nhiều năm vất vả lao động, chị đã mạnh dạn đầu tư toàn bộ số vốn để mua giống cây bưởi Diễn và một số loại cây ăn quả khác về trồng.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên vườn cây phát triển tốt, ít sâu bệnh và rất sai quả. Đến nay, vườn cây ăn quả của chị Lăng đã phát triển lên 100 cây bưởi Diễn; 200 cây ổi lai lê; 50 cây nhãn và hàng trăm cây táo đại đang cho thu hoạch. Không dừng lại, qua những buổi tập huấn của Trung tâm Khuyến nông, qua các phương tiện thông tin đại chúng chị học hỏi cách chiết ghép các giống cây ăn quả và thực hiện ngay tại vườn cây của gia đình. Hiện nay, ngoài việc cung cấp cho thị trường những trái cây ngon, sạch, chị Lăng còn phục vụ giống cây ăn quả cho bà con trong vùng. Ngoài ra, chị vẫn duy trì chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bình quân mỗi năm từ mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi đã mang lại nguồn thu cho gia đình chị hàng trăm triệu đồng. Niềm vui được nhân lên, khi các con của chị đều đã trưởng thành và có công việc ổn định.

Nâng cao năng lực hội viên

Hội phụ nữ xã Vinh Quang hiện có 1.332 hội viên tham gia sinh hoạt tại 16 chi hội cơ sở, tỷ lệ chị em tham gia tổ chức hội đạt 80%. Hiện hội đang quản lý 6 Tổ tiết kiệm vay vốn có tổng dư nợ ủy thác với NHCSXH đạt trên 3,6 tỷ đồng cho 223 hộ vay.

Để triển khai nguồn vốn vay ủy thác đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả, các cấp Hội Phụ nữ xã Vinh Quang luôn xác định gắn vốn vay của các các chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp, các chương trình dạy nghề, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, định hướng thị trường,… Chủ động phối hợp với NHCSXH tập huấn đội ngũ cán bộ hội phụ trách hoạt động uỷ thác và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn về kiến thức, kỹ năng cơ bản về kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro, hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.

Theo chi hội trưởng phụ nữ thôn Tông Trang, xã Vinh Quang, Nguyễn Thị Hiền thông qua ủy thác với NHCSXH, hội đã thu hút thêm hội viên, phát huy vai trò trong việc tạo điều kiện cho chị em phụ nữ, nhất là các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay thuận lợi và kịp thời, giúp chị em phát huy được tính tự chủ trong việc phát triển kinh tế, biết khai thác thế mạnh và điều kiện gia đình, địa phương, mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gắn sản xuất với thị trường, áp dụng KHKT, sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả. Đồng thời thông qua hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn còn giúp chị em nâng cao về trình độ mọi mặt, như năng lực quản lý, tạo thói quen, ý thức tiết kiệm, từ đó phát huy tiềm năng và sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Với sự chủ động tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chú trọng tập hợp chị em phụ nữ, từng bước thực hiện mục tiêu đoàn kết các tầng lớp phụ nữ, Hội Phụ nữ xã Vinh Quang đang từng bước huy động được tiềm năng, sức sáng tạo của cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động trọng tâm công tác hội, góp phần tích cực vào công tác xây dựng nông thôn mới ở địa phương.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/khat-vong-doi-doi-cua-chi-em-phu-nu.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2016/10/Khát-vọng-đổi-đời-của-chị-em-phụ-nữ.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.