- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Khánh Hòa cho vay vốn khôi phục sản xuất sau bão

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 10/04/2018 @ 3:48 chiều In Tin mới cập nhật | No Comments

NHCSXH huyện Vạn Ninh giải ngân vốn vay cho người dân tại Điểm giao dịch xã Vạn Thắng [2]

NHCSXH huyện Vạn Ninh giải ngân vốn vay cho người dân tại Điểm giao dịch xã Vạn Thắng

Vạn Ninh là địa phương bị thiệt hại nặng do bão, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Vì thế sau bão, người dân rất cần vốn để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, sau bão, tài sản thế chấp không còn để có thể dễ dàng vay vốn từ các NHTM, chính vì thế, nguồn vốn tín dụng chính sách tuy không lớn nhưng đã hỗ trợ phần nào cho người dân khắc phục khó khăn ban đầu. Từ nguồn vốn TW chuyển về đợt 1, huyện Vạn Ninh được phân bổ hơn 31,5 tỷ đồng, tập trung ưu tiên cho vay đối với những hộ bị thiệt hại do cơn bão số 12 để khôi phục sản xuất. Trong đó, riêng nhu cầu vốn vay khôi khục nuôi trồng thủy sản sau cơn bão là 6 tỷ đồng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Bảy ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh vốn là hộ nuôi tôm lớn tại địa phương, nhưng cơn bão số 12 đã làm gia đình ông thiệt hại gần 10 tỷ đồng. Như nhiều hộ nuôi khác, gia đình ông vẫn đang gom góp để làm lại từ đầu. Hiện nay, gia đình mới thả giống được một phần nhỏ so với trước đây, có lúc đến 30.000 con. Chi phí làm bè, mua giống một phần từ các thành viên trong gia đình, một phần vay theo chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH. Ông Bảy cho biết, gia đình vay NHCSXH 40 triệu đồng để mua một số tôm giống tiếp tục thả nuôi. Tuy nguồn vốn vay không đáng kể so với nhu cầu nhưng đã góp phần giúp gia đình ông trong giai đoạn khó khăn này. Ông Nguyễn Văn Thành ở xã Vạn Hưng cho biết, gia đình ông trắng tay sau bão và còn khoản nợ mấy chục triệu đồng chưa trả được. Tuy vớt lại được mấy ô lồng nhưng lại hết vốn thả giống, vì vậy, gia đình cũng muốn được vay vốn NHCSXH.

Theo đại diện NHCSXH huyện Vạn Ninh, trong số vốn hơn 31,5 tỷ đồng từ nguồn vốn TW, ngân hàng dành khoảng 20% tập trung cho vay khôi phục sản xuất đối với các hộ bị thiệt hại trong cơn bão số 12. Tuy nhiên, số vốn này còn quá ít so với nhu cầu thực tế của người dân. Đó là chưa kể nhiều hộ còn vướng số nợ cũ chưa trả được, phải chờ xem xét, giải quyết để được vay mới. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng khẩn trương rà soát, xử lý nợ rủi ro đối với những hộ bị thiệt hại. Tại Vạn Ninh, NHCSXH đã xử lý khoản nợ bị thiệt hại 1,2 tỷ đồng cho 62 hộ; đồng thời cho vay mới hơn 50 hộ để bổ sung nguồn vốn phục hồi sản xuất. Vướng mắc hiện nay là phần lớn hộ vay vốn khôi phục sản xuất không thuộc diện hộ nghèo, chỉ được vay theo chương trình giải quyết việc làm.

Theo ông Nguyễn Thành Long - Giám đốc NHCSXH huyện Vạn Ninh, đối với những hộ bị thiệt hại thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo thì khi xảy ra thiệt hại, ngân hàng sẽ xử lý nợ, khoanh nợ từ 3 đến 5 năm; đồng thời, cho vay bổ sung với mức tối đa 50 triệu đồng/hộ, không kể dư nợ bị thiệt hại. Còn đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn xin đợt 1 năm 2018 được giao 6 tỷ đồng, so với nhu cầu từ đầu năm các xã đưa lên 45 tỷ đồng thì mới chỉ đáp ứng được khoảng 12%.

Trong quý I/2018, ngân sách địa phương cũng chuyển vốn cho NHCSXH tỉnh gần 16 tỷ đồng để cho vay giải quyết việc làm; TW chuyển vốn đợt 1 năm 2018 là gần 222 tỷ đồng cho NHCSXH tỉnh để đáp ứng nhu cầu vốn mới, tái sản xuất khắc phục hậu quả do cơn bão số 12 gây ra và nâng mức cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đến nay, NHCSXH tỉnh đã giải ngân 75% số vốn nhận từ TW và sẽ hoàn thành giải ngân trong tháng 4.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/khanh-hoa-cho-vay-von-khoi-phuc-san-xuat-sau-bao.html

URLs in this post:

[1] Người nghèo ở các xã, phường, thị trấn của tỉnh Khánh Hòa đã được vay vốn ưu đãi: https://vbsp.org.vn/nguoi-ngheo-o-cac-xa-phuong-thi-tran-cua-tinh-khanh-hoa-da-duoc-vay-von-uu-dai.html

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2018/04/KH.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.