- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng

Posted By On 13/12/2012 @ 9:25 sáng In Công tác Đảng | No Comments

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến tại Hội nghị [1]

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến tại Hội nghị
 

Ðồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì hội nghị. Dự hội nghị, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ; Tô Huy Rứa, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư; Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Ngô Văn Dụ, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Ðinh Thế Huynh, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư; các đồng chí Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc T.Ư; Bí thư Đảng ủy khối; Bí thư Đảng đoàn, Ban cán sự, đảng đoàn ở T.Ư; đại diện các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ mục đích của hội nghị là trao đổi kinh nghiệm bước đầu đã đạt được trong quá trình chuẩn bị và các bước tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng để các Tỉnh ủy, Thành ủy và tương đương nghiên cứu, triển khai thực hiện theo đúng Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện nghị quyết đặc biệt quan trọng này. Ðồng chí Lê Hồng Anh đã trình bày báo cáo về việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Báo cáo gồm bốn phần: công việc chuẩn bị; việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư; một số kinh nghiệm từ việc chuẩn bị và tiến hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; những công việc cần làm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình.

Về việc chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Báo cáo nêu rõ: Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 24/2/2012 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng đã xác định Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết; tổ chức Bộ phận Thường trực giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện Nghị quyết gồm đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Trưởng Ban Dân vận Trung ương (dưới đây gọi tắt là Bộ phận Thường trực). Bộ Chính trị ban hành Quy chế làm việc của Bộ phận Thường trực, quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, chế độ làm việc của Bộ phận Thường trực, trách nhiệm các thành viên Bộ phận Thường trực, Tổ giúp việc và các cơ quan chức năng. Bộ phận Thường trực đã xác định Chương trình làm việc của Bộ phận Thường trực năm 2012, trong đó nêu rõ trọng tâm công việc là chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời chỉ đạo việc chuẩn bị và triển khai các nội dung khác của Nghị quyết theo kế hoạch và tiến độ…

Về tổ chức lấy ý kiến góp ý để chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Chính trị đã xác định rõ yêu cầu, nội dung cần góp ý là bám sát vào ba nội dung cấp bách đã nêu trong Nghị quyết đối với tập thể và cá nhân; cách thức và thời hạn góp ý kiến. Ðể bảo đảm chặt chẽ, Bộ Chính trị quy định rõ các văn bản góp ý cho cá nhân các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì gửi trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư; văn bản góp ý cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì gửi về Bộ phận Thường trực. Ngay từ đầu tháng 5/2012, Bộ Chính trị đã có các công văn yêu cầu các Ban thường vụ cấp ủy, các Ban đảng, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn trực thuộc Trung ương góp ý chuẩn bị kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư; giao Đảng ủy nơi các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác tổ chức lấy ý kiến của các chi ủy nơi cư trú, chi ủy nơi công tác góp ý chuẩn bị kiểm điểm cá nhân các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ðến ngày 21/6/2012, đã có 89 cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan Trung ương gửi văn bản góp ý cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 25 cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và 36 chi bộ nơi công tác và nơi cư trú góp ý cho cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Kết quả góp ý cho thấy, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân đã đóng góp ý kiến với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc, tập trung vào nội dung Nghị quyết. Bộ Chính trị nghiêm túc và trân trọng tổ chức lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước. Bộ phận Thường trực đã tổ chức hai hội nghị (ngày 17/5/2012 tại Hà Nội và ngày 18/5/2012 tại TP. Hồ Chí Minh) với thành phần: các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Bộ trưởng và tương đương. Ðồng chí Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị và trực tiếp phổ biến mục đích, yêu cầu và cách thức góp ý chuẩn bị kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Mặc dù hội nghị này chỉ mới là phổ biến về cách góp ý, nhưng đã có 30 đồng chí phát biểu ý kiến ngay tại Hội nghị hết sức thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và tâm huyết, mong muốn Bộ Chính trị, Ban Bí thư thật sự gương mẫu kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Các ý kiến phát biểu tại hội nghị này đã được tập hợp và gửi nguyên văn đến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bộ Chính trị đã dành một phiên họp để thảo luận tiếp thu, đồng thời có công văn gửi tới từng đồng chí dự hội nghị, thông báo ý kiến tiếp thu của Bộ Chính trị. Ðến ngày 21/6/2012, đã có 103 đồng chí nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước gửi bản góp ý kiến cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; 72 đồng chí góp ý cho cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nội dung góp ý thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng (một số đồng chí tự viết tay nhiều trang); góp ý cụ thể, chi tiết. Bộ Chính trị đã có thư cảm ơn các đồng chí gửi văn bản góp ý kiến với Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về việc tập hợp và tổng hợp các ý kiến góp ý, Thường trực Ban Bí thư đã chỉ đạo Văn phòng Trung ương Ðảng chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương tổng hợp ý kiến của các tập thể và cá nhân góp ý chuẩn bị kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bản Báo cáo tổng hợp dài hơn 60 trang. Nội dung báo cáo thể hiện khách quan, đầy đủ các ý kiến đã đóng góp. Ðối với những bản góp ý kiểm điểm cho cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư của các đồng chí nguyên cán bộ cấp cao của Ðảng, Nhà nước gửi trực tiếp đến đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo Tổ giúp việc tập hợp nguyên văn các ý kiến này (không ghi tên người gửi) để gửi đến các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về chuẩn bị Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tự kiểm điểm cá nhân của các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, báo cáo nêu rõ: Thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, Bộ phận Thường trực đã chỉ đạo Văn phòng Trung ương Ðảng giúp Bộ Chính trị chuẩn bị dự thảo Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần định hướng: Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư là nhằm tập trung đánh giá một cách khách quan cả mặt ưu điểm và mặt hạn chế, khuyết điểm, nhất là làm rõ những hạn chế, khuyết điểm, về công tác xây dựng Ðảng, chỉ đúng nguyên nhân; đề ra biện pháp khắc phục, làm cơ sở cho việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư; góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Ðảng, trọng tâm là bám sát những vấn đề cấp bách đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị. Báo cáo được xây dựng với tinh thần khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, không nể nang, né tránh; thể hiện tính gương mẫu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Căn cứ trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nêu trong Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Báo cáo kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung vào ba nhóm nội dung của Nghị quyết Trung ương 4: (1) Về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. (2) Về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (3) Về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Trong từng nội dung, Báo cáo tập trung làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm chủ yếu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư hiện nay, nhưng trong từng vấn đề cụ thể có liên hệ kiểm điểm đến các nhiệm kỳ trước để làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo. Xuất phát từ tầm mức của các vấn đề nêu trên và trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Báo cáo tập trung chủ yếu vào các ưu, khuyết điểm của Bộ Chính trị. Ðồng thời, xác định một số nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, khuyết điểm để từ đó đề ra biện pháp khắc phục.

Dự thảo Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư được bố cục thành bốn phần. Trong đó có Phần I: Kiểm điểm theo ba nội dung của Nghị quyết T.Ư 4. (1) Về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Về xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (3) Về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. (4) Ðánh giá chung, nguyên nhân của các hạn chế, khuyết điểm, yếu kém chủ yếu (trong ba nội dung kiểm điểm, mỗi nội dung đều có phần ưu điểm và phần khuyết điểm song phần ưu điểm chỉ nêu khái quát, tập trung đi sâu kiểm điểm về khuyết điểm, nhất là những khuyết điểm, hạn chế kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chậm được khắc phục). Phần II : Những giải pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế, báo cáo nêu rõ: Ðể làm cơ sở thống nhất chuẩn bị bản tự kiểm điểm cá nhân của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ phận Thường trực đã trình Bộ Chính trị thông qua văn bản "Một số vấn đề về việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Ðảng". Trong đó, nhấn mạnh một số điểm: Chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm chu đáo, chặt chẽ, khoa học; tiến hành nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm kết quả thực chất, không làm lướt, làm hình thức, chiếu lệ; tránh tình trạng xuê xoa, nể nang cũng như lợi dụng kiểm điểm để nói xấu, thổi phồng khuyết điểm, hạ uy tín với động cơ không trong sáng. Thật sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; từng đồng chí nghiêm túc tự kiểm điểm và cầu thị tiếp thu những ý kiến góp ý đúng đắn, xác đáng của các tổ chức và cá nhân; tự giác, trung thực xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, tự thấy rõ khuyết điểm và tự sửa chữa; đồng thời thực sự khách quan, chân thành, thẳng thắn đóng góp ý kiến cho các đồng chí khác và cho tập thể. Cá nhân được góp ý kiểm điểm không được thành kiến hoặc trù dập người góp ý. Tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình với phương châm phòng ngừa, ngăn chặn, "trị bệnh cứu người", giúp nhau cùng tiến bộ, vì sự trong sạch, vững mạnh của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và vì sự nghiệp chung của Ðảng. Tự phê bình và phê bình phải giữ đúng nguyên tắc, có tình đoàn kết thương yêu đồng chí; vừa có lý, có tình, vừa phải xử lý nghiêm minh những trường hợp có khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng, nhất là những trường hợp không tự giác nhận và sửa chữa khuyết điểm, vi phạm. Bộ Chính trị, Ban Bí thư gương mẫu kiểm điểm để cấp dưới và toàn Ðảng noi theo; tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm trước, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm sau; đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội kiểm điểm trước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khác kiểm điểm sau.

Ðồng thời, Bộ Chính trị cũng nêu rõ những nội dung cụ thể để từng đồng chí tự kiểm điểm. Trên cơ sở văn bản này, từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, căn cứ vào mục đích, yêu cầu Nghị quyết Trung ương, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị, các góp ý của các tổ chức, cá nhân và tình hình thực tiễn để tự mình chuẩn bị bản kiểm điểm cá nhân, xác định trách nhiệm của cá nhân liên quan đến tập thể, liên quan đến các khóa IX, X. Bản kiểm điểm cá nhân gửi đồng chí Tổng Bí thư trước hai ngày Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm. Sau khi kiểm điểm tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đối chiếu, hoàn thiện lại bản kiểm điểm cá nhân và gửi cho đồng chí Tổng Bí thư trước khi tiến hành kiểm điểm cá nhân đồng chí đó. Nhìn chung, các bản tự kiểm điểm cá nhân được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng; nhiều đồng chí viết lại hai lần sau khi gửi đồng chí Tổng Bí thư, sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm tập thể hoặc trong quá trình các đồng chí khác trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm cá nhân; các bản tự kiểm điểm có độ dài hơn 10 trang, có bản 22 trang. Nội dung đã bám sát vào bản hướng dẫn của Bộ Chính trị; giải trình chi tiết các góp ý của tập thể và tổ chức. Trên cơ sở bản tổng hợp góp ý kiến của tập thể và cá nhân, Bộ Chính trị đã xác định 25 vấn đề cần được xem xét, giải trình và đã giao cho Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Ðảng chuẩn bị các bản dự thảo giải trình. Các bản dự thảo giải trình này là tài liệu chính thức trình Hội nghị kiểm điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư, để Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, cho ý kiến.

Các tài liệu phục vụ kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư được chuẩn bị kỹ lưỡng với khối lượng rất lớn, gồm những tài liệu chủ yếu: Báo cáo tổng hợp ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và cá nhân các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ trưởng và tương đương góp ý cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Ðảng (40 trang); góp ý của các Ban đảng, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về xây dựng Ðảng (164 trang); góp ý của Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về xây dựng Ðảng (279 trang); góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Bộ trưởng và tương đương cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về xây dựng Ðảng; tập hợp nguyên văn ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng và tương đương góp ý kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với cá nhân các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về xây dựng Ðảng; tập hợp nguyên văn ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng và tương đương góp ý kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với một số đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và một số đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về xây dựng Ðảng; góp ý của các ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng cho cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI; góp ý của các chi ủy (hoặc chi bộ nơi không có chi ủy) nơi các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác và cư trú; Báo cáo giải trình của Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương về một số nội dung mà các tổ chức, cá nhân góp ý; Dự thảo Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI; 18 bản kiểm điểm của các cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành kiểm điểm theo trình tự: tập thể trước, kiểm điểm cá nhân sau; trong kiểm điểm cá nhân, đồng chí Tổng Bí thư kiểm điểm trước, sau đó lần lượt đến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Thường trực Ban Bí thư, tiếp đến các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư khác.

Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong bốn ngày. Khai mạc cuộc kiểm điểm, đồng chí Tổng Bí thư đã nêu rõ ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đợt tự phê bình và phê bình lần này; xác định rõ yêu cầu phải đạt được, trách nhiệm nêu gương của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và mỗi đồng chí thành viên. Tiếp đó, sau khi nghe Văn phòng Trung ương Ðảng trình bày dự thảo Báo cáo kiểm điểm, tất cả các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu ý kiến, có đồng chí phát biểu hai lần; đồng chí phát biểu dài nhất gần hai giờ; ít nhất hơn 30 phút. Nội dung phát biểu đều được chuẩn bị kỹ; các vấn đề nổi cộm của tập thể trên cả ba nội dung cấp bách đều được đặt ra để phân tích. Không khí thảo luận chân thành, thẳng thắn, xây dựng. Kết luận phần kiểm điểm tập thể, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định những ưu điểm cơ bản và chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm đã rõ và yêu cầu tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề quan trọng nảy sinh trong quá trình kiểm điểm; đồng thời: Giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo Bộ Chính trị một số vấn đề về việc thực hiện các quy định của Ðảng, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa X khi đề nghị xử lý kỷ luật các tập thể và cá nhân có liên quan đến trách nhiệm đối với vụ Vinashin. Giao Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị (trong tháng 8) về tình hình thực hiện chủ trương tái cơ cấu Vinashin và về vụ việc ở Vinalines mới đây. Giao Văn phòng Trung ương Ðảng tiếp tục bổ sung hoàn thiện bản Báo cáo kiểm điểm tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sau khi kiểm điểm các cá nhân sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo lại Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Cá nhân các đồng chí thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong 12 ngày, chia làm hai đợt: Ðợt một, năm ngày, từ ngày 21 đến 25/7 trước tiên, kiểm điểm tự phê bình và phê bình bốn đồng chí lãnh đạo chủ chốt: đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Bình quân hơn một ngày với mỗi đồng chí. Các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều tham gia đóng góp ý kiến. Ðợt hai, bảy ngày, từ ngày 1/8 đến 7/8/2012, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn lại. Nhìn chung, các bản tự kiểm điểm của cá nhân được trình bày trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư được chuẩn bị kỹ, kiểm điểm nghiêm túc. Các ý kiến góp ý chân tình, thẳng thắn; các vấn đề được các tổ chức đảng và cá nhân góp ý với cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều được trình bày, phân tích góp ý. Kết luận phần kiểm điểm cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương thẩm tra, xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan đến một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và báo cáo Bộ Chính trị (trong tháng 9/2012) để có kết luận cụ thể.

Báo cáo đã tập trung nêu lên một số kinh nghiệm rút ra qua việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình, phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo Nghị quyết T.Ư 4 được thực hiện rất nghiêm túc, cẩn trọng, chu đáo, chặt chẽ và khoa học, với nhiều điểm nổi bật khác với kiểm điểm hằng năm, giữa nhiệm kỳ và các đợt kiểm điểm để xây dựng, chỉnh đốn Ðảng của các khóa gần đây, cụ thể là: Về tổ chức, có Bộ phận Thường trực và Tổ giúp việc không chuyên trách hoạt động theo quy chế, chương trình; chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các ban của Ðảng; tổng hợp, tập hợp các ý kiến góp ý; chuẩn bị tài liệu kỹ, đúng quy trình, quy chế; gửi tài liệu sớm (10 ngày) trước khi kiểm điểm… Bộ Chính trị thảo luận kỹ và ban hành tài liệu "Một số vấn đề về việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình của cá nhân các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Ðảng". Ðây là văn bản hướng dẫn rất quan trọng, là cơ sở để các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự viết bản kiểm điểm cá nhân. Tổ chức lấy ý kiến các cấp ủy, tổ chức đảng, các chi ủy (hoặc chi bộ) nơi cư trú, các đồng chí nguyên lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Bộ trưởng và tương đương góp ý chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước khi kiểm điểm. Việc tổng hợp, tập hợp ý kiến góp ý của các tập thể, cá nhân bảo đảm khách quan, trung thực và gửi cho tất cả các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tập hợp nguyên văn ý kiến của các cá nhân góp ý cho cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư (không để tên người góp ý). Dự thảo Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo Văn phòng Trung ương Ðảng chuẩn bị công phu, nghiêm túc, làm cơ sở để Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận. Các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị bản kiểm điểm cá nhân chu đáo, nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị. Nhiều đồng chí viết bổ sung bản kiểm điểm cá nhân ba lần trước và trong quá trình kiểm điểm tập thể và cá nhân. Trong kiểm điểm, nhìn chung, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu ý kiến; không khí thảo luận thẳng thắn, góp ý dân chủ, đoàn kết, chân thành. Hầu hết các vấn đề nổi cộm, bức xúc được các tập thể và cá nhân góp ý với tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều được đặt ra, phân tích, mổ xẻ. Khi kiểm điểm cá nhân, tất cả các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu ý kiến góp ý cho đồng chí mình, nhiều đồng chí phát biểu lần thứ hai, có trao đổi qua lại giữa các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cùng một vấn đề. Cuối cùng, đồng chí Tổng Bí thư thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận về kiểm điểm của từng đồng chí.

Qua kiểm điểm đã làm rõ hơn, sâu hơn ưu, khuyết điểm và hạn chế của tập thể và các cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số vấn đề quan trọng cấp bách về xây dựng Ðảng (về trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, nhất là về các vụ việc Vinashin, Vinalines; về thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuẩn bị nhân sự Ðại hội XI và công tác cán bộ; về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; về một số dư luận bức xúc liên quan đến cá nhân, gia đình, vợ con,…). Kiểm điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư thật sự là một cuộc sinh hoạt chính trị, là dịp để các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tự học hỏi nâng cao trình độ, năng lực (nhiều đồng chí phát biểu ý kiến, qua đợt sinh hoạt này, đã thu nhận được rất nhiều điều bổ ích, tự thấy mình trưởng thành hơn, gắn bó, hiểu biết nhau hơn trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư…).

Trong kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là đối với kiểm điểm cá nhân các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, điều nổi bật nhất là phải thật sự thấm nhuần tinh thần tự phê bình và phê bình, tự giác, chân thành, tự khép mình vào kỷ cương, kỷ luật của Ðảng. Nội dung kiểm điểm bám sát vào từng nội dung, yêu cầu được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị và hướng dẫn của các ban xây dựng Ðảng, trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc, cụ thể, đi thẳng vào những vấn đề cần kiểm điểm, những vấn đề được góp ý trước khi kiểm điểm. Trong quá trình kiểm điểm, có những vụ việc kết luận được thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định ngay; có những việc cần phải có thời gian để kiểm tra, xác minh thì giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ. Những vụ việc trước đây đã có kết luận nay không có tình tiết gì mới làm thay đổi bản chất sự việc thì không xem xét lại.

Ngay trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thật sự cầu thị, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục ngay một số khuyết điểm đã rõ, không chờ tới khi tổ chức kiểm điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cụ thể là: Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định, Kết luận,… của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bộ Chính trị đã đề xuất và trình Hội nghị Trung ương 5 thảo luận, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Lập lại Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính; đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012). Bộ Chính trị đã ban hành "Hướng dẫn thực hiện việc chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương" (số 02-HD/TW, ngày 8/6/2012). Sửa đổi ngay cách đi công tác địa phương, cơ sở theo hướng thiết thực, cụ thể, tránh hình thức, nghi lễ rườm rà. Ban Bí thư ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp (số 101-QÐ/TW, ngày 7/6/2012). Ban Bí thư ban hành "Quy định bổ sung, sửa đổi về việc cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương" (số 120-QÐ/TW, ngày 19/7/2012). Bộ Chính trị đã quyết định điều chuyển, phân công công tác khác đối với một số đồng chí Ủy viên Trung ương Ðảng; bố trí công tác mới cho một số đồng chí Ủy viên Trung ương Ðảng dự khuyết. Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ðảng đoàn Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và một số đề án về công tác cán bộ khác để thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI. Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền.

Về những việc cần làm tiếp sau kiểm điểm, báo cáo nêu rõ: Từng cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tiếp tục suy nghĩ, thật sự cầu thị, thành khẩn, tự nghiêm khắc với mình hơn nữa, bổ sung, hoàn thiện, nâng chất lượng bản tự kiểm điểm cá nhân của mình để báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương, làm gương cho cấp dưới và làm kinh nghiệm cho các khóa sau. Bộ Chính trị giao cho Bộ phận Thường trực giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo Văn phòng Trung ương Ðảng và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư qua kiểm điểm để hoàn thiện Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và bản giải trình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số vấn đề chung mà các tập thể, cá nhân góp ý cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẩn trương tiến hành thẩm tra, xác minh, làm rõ một số vấn đề mà Bộ Chính trị giao, bảo đảm thật khách quan, đúng nguyên tắc, nghiêm túc, kết luận rõ ràng và báo cáo Bộ Chính trị; đồng thời Bộ Chính trị sẽ nghe Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo về kết quả thực hiện chủ trương cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin và về vụ việc Vinalines theo ý kiến kết luận của Bộ Chính trị trong quá trình kiểm điểm. Tháng 9/2012 Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ họp lại để thông qua Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Bản tiếp thu giải trình…, đánh giá chính thức về kết quả kiểm điểm và xem xét việc kỷ luật (có hay không, đến mức nào đối với tập thể và cá nhân) để báo cáo với Trung ương. Bộ phận Thường trực giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị báo cáo trình Hội nghị Trung ương 6 về việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về xây dựng Ðảng. Chuẩn bị thông báo cho các cơ quan và cá nhân góp ý cho tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả đợt kiểm điểm này sau Hội nghị Trung ương 6 khóa XI. Phân công các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo các Ban đảng Trung ương đi dự, chỉ đạo và theo dõi kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở cấp tỉnh và tương đương. Chỉ đạo khẩn trương thực hiện ngay một số việc đã được quy định trong Nghị quyết T.Ư 4 và đã kết luận qua kiểm điểm lần này, đặc biệt là chuẩn bị các đề án, các cơ chế, chính sách để trình Trung ương, Bộ Chính trị xem xét quyết định, tạo chuyển biến ngay trong quá trình kiểm điểm này.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Ðây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng trong Ðảng, tập trung vào ba vấn đề cấp bách nhất theo Nghị quyết T.Ư 4. Công việc này đã được thực hiện thành công bước đầu, còn phải thực hiện các bước tiếp theo. Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý cho việc kiểm điểm tập thể, cá nhân là một kênh thông tin quan trọng đã được thực hiện đúng Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết đặc biệt quan trọng này. Các ý kiến góp ý là rất chân thành, công phu và đều được tiếp thu, trả lời một cách trân trọng đối với người góp ý kiến. Việc viết kiểm điểm của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đề cập đầy đủ, toàn diện các vấn đề cần làm rõ đúng sai, cần phải giải trình. Bản kiểm điểm cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư được tiến hành chu đáo, nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị. Nhiều đồng chí tự bổ sung, hoàn thiện bản kiểm điểm hai, ba lần trước, trong và sau khi kiểm điểm tập thể, cá nhân, nêu rõ phương hướng sửa chữa khắc phục. Về tiến hành kiểm điểm, đồng chí Tổng Bí thư đã nêu rõ: Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân được tiến hành một cách nghiêm túc, chân tình nhưng thẳng thắn, không né tránh, trong không khí dân chủ, cởi mở, tin cậy lẫn nhau. Kiểm điểm tập thể làm cơ sở cho kiểm điểm cá nhân, kiểm điểm cá nhân đặt trong quan hệ kiểm điểm tập thể. Trong đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng này, toàn thể các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều dự và đều phát biểu ý kiến phê bình đối với tập thể và từng cá nhân. Ðồng chí Tổng Bí thư thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư có kết luận bằng văn bản đối với tập thể và cá nhân đối với những vấn đề đã rõ. Trong lãnh đạo, chỉ đạo kiểm điểm tự phê bình và phê bình, các bộ phận thường trực, bộ phận giúp việc đã làm việc một cách bài bản, khoa học, giữ vững nguyên tắc, theo quy chế đã được ban hành, theo chương trình đã được xây dựng nên đã tạo được không khí cởi mở, tin cậy để tập trung vào những vấn đề then chốt nhất của các vấn đề cấp bách mà Nghị quyết T.Ư 4 đã nêu; làm ngay những việc không cần chờ đợi trong thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mỗi tổ chức và cá nhân.

Sau khi giải đáp thắc mắc, kiến nghị của các đồng chí đại biểu dự hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở các đồng chí Bí thư, Thường trực các Tỉnh ủy, Thành ủy và tương đương cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nhóm giải pháp hàng đầu của Nghị quyết T.Ư 4 với quyết tâm cao, niềm tin lớn và bằng phương pháp tiến hành khoa học, đúng nguyên tắc Ðảng, nhằm củng cố, tăng cường niềm tin của đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với việc thực hiện Nghị quyết về xây dựng Ðảng, đối với Ðảng. Phải thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm từng bước tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm nhất trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ðồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Chúng ta đang tiến hành công việc rất hệ trọng và thiêng liêng không chỉ với tập thể và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt mà còn đối với Ðảng ta, Tổ quốc ta và dân tộc ta. Vì vậy, chúng ta quyết tâm thực hiện thắng lợi đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng này để đạt được mục đích yêu cầu mà Nghị quyết T.Ư 4 đã đề ra.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/hoi-nghi-can-bo-toan-quoc-huong-dan-viec-tien-hanh-kiem-diem-tu-phe-binh-va-phe-binh-theo-nghi-quyet-t-u-4-ve-xay-dung-dang.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2012/12/495.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.