- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Hỗ trợ đắc lực cho người dân thoát nghèo

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 04/01/2020 @ 9:26 sáng In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

NHCSXH đã trở thành địa chỉ thân quen giúp người dân huyện Đô Lương vay vốn thoát nghèo, ổn định cuộc sống [1]

NHCSXH đã trở thành địa chỉ thân quen giúp người dân huyện Đô Lương vay vốn thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Đến nay, đã có hàng nghìn hộ dân trên địa bàn đủ điều kiện để chủ động phát triển SXKD bằng các mô hình kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Hiện, toàn huyện có 549 mô hình kinh tế phát triển mạnh và rộng khắp như: chăn nuôi dê, chăn nuôi trâu bò sinh sản, mô hình kinh tế đồi rừng, vườn rừng, mô hình sản xuất gạch táp lô, xưởng rèn mộc, trồng nấm, mây tre đan…

06 tháng cuối năm 2019, doanh số cho vay các chương trình tín dụng của NHCSXH huyện Đô Lương đạt 98 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên đạt gần 400 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi tập trung ưu tiên cho các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm như xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các loại hình, mô hình kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa và giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương. Năm 2019, toàn huyện Đô Lương có trên 1 nghìn người đi xuất khẩu lao động sang các nước Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, cùng trên 4 nghìn lao động được tạo việc làm mới, ổn định trong và ngoài tỉnh.

Một trong những tấm gương điển hình về sử dụng vốn vay ưu đãi làm kinh tế tổng hợp đem lai hiệu quả cao là ông Chu Đình Hạnh ở xóm 3, xã Đà Sơn. 03 năm trước, gia đình ông đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để cải tạo khu ruộng trồng lúa năng suất thấp, bấp bênh thành vườn rau, củ, quả quả sạch và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như ngan vịt ấp trứng, bò lai sin, lợn giống… Mô hình kinh tế của ông được quản lý một cách khoa học với nhiều phương pháp phòng dịch bệnh tốt nên đem lại cho gia đình ông thu nhập đến 300 triệu đồng/năm. Từ đó, gia cảnh thoát nghèo, con cái học hành giỏi giang, ông Hạnh còn chủ động chia sẻ, giúp đỡ bà con trong thôn, xóm thông qua trao đổi kinh nghiệm sử dụng vốn vay ưu đãi cũng như các phương thức áp dụng kỹ thuật vào SXKD.

Cũng như ông Hạnh, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình chị Thái Thị Hải ở thôn 14, xã Tịnh Sơn tận dụng vốn vay từ NHCSXH để đầu tư mở xưởng làm gạch táp lô. Mỗi năm, gia đình sản xuất 10 nghìn viên gạch, đáp ứng nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở nông thôn và đảm bảo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Có thể thấy rằng, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền cùng sự hỗ trợ thiết thực của NHCSXH đã và đang giúp huyện Đô Lương từng bước thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững có hiệu quả. Kết quả đó phản ánh sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, đoàn thể với NHCSXH trong công tác tín dụng chính sách. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, UBND huyện hàng năm đã trích từ 500 triệu - 1 tỷ đồng ngân sách địa phương bổ sung vào nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và giải quyết việc làm. Việc làm này mang ý nghĩa sâu sắc, lớn lao cả về mặt chính trị và kinh tế, thể hiện sự ủng hộ quan tâm công tác giảm nghèo của địa phương, còn ý nghĩa về mặt chính trị xã hội là thể hiện trách nhiệm của các cấp ngành cùng NHCSXH chung tay, góp sức phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/ho-tro-dac-luc-cho-nguoi-dan-thoat-ngheo.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2020/01/image0011.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.