- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Hiệu ứng lan tỏa từ nguồn vốn khởi nghiệp (Bài 2 - Lan tỏa tinh thần phụ nữ khởi nghiệp)

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 07/06/2019 @ 9:03 sáng In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

Mô hình trồng măng tây xanh của chị Nguyễn Thị Lan ở xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du [1]

Mô hình trồng măng tây xanh của chị Nguyễn Thị Lan ở xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du

“Trao cần câu hơn xâu cá”
Cơ sở sản xuất cửa nhôm hệ và nội thất của gia đình chị Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1985 thôn Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du có hơn 10 công nhân đang tất bật hoàn thiện những khâu cuối cùng của sản phẩm để kịp giao cho khách hàng theo đúng cam kết của hợp đồng kinh tế. Đầu năm 2017, gia đình Phương bắt tay vào khởi nghiệp từ một cơ sở sản xuất nội thất. Công việc kinh doanh mô hình nhỏ diễn ra thuận lợi, tuy nhiên không dừng lại ở đó, gia đình có ý tưởng mở rộng quy mô sản xuất song lại gặp khó khăn về nguồn vốn. Thông qua các buổi sinh hoạt được các cấp Hội tuyên truyền, giới thiệu, chị được tiếp cận và hiểu rõ tính ưu việt của Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Sau khi hoàn thiện các khâu thẩm định, thủ tục, hồ sơ, cuối tháng 10/2018, chị Phương được vay 2 tỷ đồng (mức vay cao nhất) cho dự án khởi nghiệp “Sản xuất cửa nhôm hệ và nội thất” của mình, với lãi suất ưu đãi 5%/năm, thời hạn vay 5 năm. Có vốn, gia đình chị phân khai, sử dụng nguồn một cách hiệu quả. Từ 120m2 nhà xưởng, chị đầu tư mở rộng lên hơn 800m2 và mua sắm thiết bị hiện đại, nguyên liệu để sản xuất. Chị Nguyễn Thị Phương phấn khởi: “Tôi rất vui vì mình là khách hàng đầu tiên của tỉnh được vay 2 tỷ đồng (đây là mức vay tối đa theo quy định của Đề án) để nâng tầm từ cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lên quy mô “dự án khởi nghiệp”.
Với chị Nguyễn Thị Lan vốn là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, từ thực tế nhiều hộ dân trong thôn, trong xã bỏ ruộng do trồng ngô vất vả, hiệu quả kinh tế lại không cao, chị Lan đã mạnh dạn vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của huyện Tiên Du để trồng măng tây. Chị Lan chia sẻ: “Xuất phát từ điều kiện phần đông chị em phụ nữ ở địa phương ngoài 40 tuổi đều không có thu nhập, trong khi đồng đất thì chưa khai thác hết tiềm năng do thiếu những mô hình, nhân tố mới. Tôi mạnh dạn vận động một số chị em trong xã xây dựng và triển khai dự án khởi nghiệp bằng “mô hình trồng măng tây xanh” trên diện tích 1ha. Được NHCSXH huyện hướng dẫn thủ tục cho vay 300 triệu đồng từ vốn phụ nữ khởi nghiệp, tôi đầu tư xây dựng 3000m2 nhà lưới để trồng măng tây. Hiện nay diện tích trồng măng tây của gia đình đã cho thu hoạch với sản lượng trung bình từ 30 - 35 kg/ngày, được phân phối tại các siêu thị ở Hà Nội, giá bán bình quân từ 70 - 100 nghìn đồng/kg.
Chắc sẽ khó ai tin một cử nhân Đại học Luật Hà Nội xinh xắn, dịu dàng lại từ bỏ công việc đúng ngành nghề về quê thuê 10ha diện tích chuyển đổi từ khu sản xuất gạch ngói thủ công của địa phương xây dựng thành trang trại bài bản để trồng cây ăn quả và nuôi cá như chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành. Nhưng với chị đó là niềm đam mê khó lí giải hết bằng lời. Chị Hoa chia sẻ: “Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, học tiếp lên cao học, nhưng rồi đem lòng yêu anh “chủ lò gạch” cùng quê từ đó nên duyên vợ chồng. Năm 2009 khi có chủ trương phá bỏ lò gạch thủ công, gia đình tôi thuê 10ha để chuyển đổi làm trang trại, nơi nào cao thì trồng cây, nơi trũng đào ao thả cá, phải mất 2 năm san lấp, cải tạo mới tạo ra “hình hài” ban đầu của một mô hình VAC. Những năm đầu chỉ tập trung nuôi cá và trồng một số loại cây lấy gỗ. Đến tháng 10/2018, tôi được Hội PN huyện giúp đỡ hoàn thiện các thủ tục và NHCSXH cho vay 650 triệu đồng từ Đề án cho phụ nữ vay khởi nghiệp để đầu tư mua các loại giống cá chất lượng cao và trồng gần 1.000 cây bưởi Diễn. Năm 2018, riêng doanh thu từ nuôi cá đạt 2 tỷ đồng. Nguồn vốn khởi nghiệp thật sự hữu ích giúp chị em mở rộng sản xuất, tăng nguồn thu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động…”.
Những mô hình phụ nữ khởi nghiệp được tiếp sức, lan tỏa từ nguồn vốn ngân sách theo Đề án như Chị Phương, chị Lan, chị Hoa không còn hiếm ở Bắc Ninh. Có nhiều ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh mà chính những người phụ nữ Kinh Bắc bằng niềm đam mê, sáng tạo đã thuyết phục không ít nhà “quyền năng” để được hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi, trong đó nguồn vốn giữ vai trò vô cùng quan trọng. Trong đó phải kể đến dự án của Hoàng Thị Thúy, sinh năm 1988 - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Công nghiệp Môi trường Etech ở phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh được NHCSXH tỉnh quyết định cho vay 2 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh lĩnh vực tư vấn, xử lý, quan trắc môi trường, huấn luyện an toàn. Hay chị Phạm Thị Dung ở xã Phù Lãng, huyện Quế Võ được vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn của Đề án phụ nữ khởi nghiệp để phát triển nghề gốm truyền thống; Nghiêm Thị Lương ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong cử nhân Đại học Bách Khoa Hà Nội về quê trồng rau sạch được vay 1 tỷ đồng… Ở họ có điểm chung, đều là những người trẻ, đam mê kinh doanh, dám nghĩ, dám làm để hướng đến thành công.
Thông qua các dự án khởi nghiệp của thanh niên, phụ nữ, có thể thấy nguồn vốn chính sách của tỉnh thời gian qua đã được NHCSXH tỉnh cùng các ngành, địa phương triển khai, giải ngân một cách hiệu quả. Điển hình là tại Tiên Du, đã giải ngân được 8 dự án của phụ nữ và 2 dự án của thanh niên, với số vốn gần 6 tỷ đồng. NHCSXH huyện đang tiếp tục phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tiến hành thẩm định các dự án đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp sẽ hoàn thiện các thủ tục cần thiết, giúp các hộ được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi.
Tại Hội nghị tổng kết năm đầu thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025”, Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh vinh dự được Trung ương Hội LHPN Việt Nam đánh giá là một trong những tỉnh triển khai thực hiện Đề án hiệu quả nhất cả nước với nhiều hoạt động thiết thực giúp phụ nữ khởi nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng Ban kinh tế Hội LHPN tỉnh cho hay: Thực hiện Quyết định số 939 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025 được UBND tỉnh Bắc Ninh giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành và NHCSXH tỉnh triển khai thực hiện từ những tháng đầu năm 2018. Với nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đến cuối năm 2018, Hội đã đề xuất và được UBND tỉnh đồng ý cấp 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương nâng tổng số lên 50 tỷ đồng thông qua NHCSXH để hỗ trợ cho chị em khởi nghiệp. Sau hơn một năm triển khai Hội LHPN tỉnh có 63 dự án được vay, với tổng số vốn gần 34 tỷ đồng, trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc khơi dậy, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ. Trên cơ sở đó, Hội đặt ra mục tiêu “trao cần câu hơn xâu cá” giúp phụ nữ vươn lên làm giàu đóng góp nhiều hơn cho xã hội bằng cách tạo vốn, tập huấn kỹ thuật sản xuất, kỹ năng khởi nghiệp…
Tính ưu việt từ nguồn vốn khởi nghiệp
Đến thời điểm này, NHCSXH tỉnh Bắc Ninh thực hiện giải ngân cho vay 84 dự án khởi nghiệp với số vốn gần 50 tỷ đồng, trong đó Hội Phụ nữ 63 dự án, Đoàn Thanh niên 21 dự án. Còn một số dự án đã có Quyết định vay vốn, đang chờ giải ngân. Nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều thanh nhiên, phụ nữ ở khu vực nông thôn có cơ hội khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh ngay trên quê hương.
Các dự án vay vốn hỗ trợ khởi nghiệp của thanh niên, phụ nữ không chỉ sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích mà còn làm rất tốt công tác thu nợ, thu lãi từ các đối tượng quản lý. Chính vì thế đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, góp phần giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Ninh Vũ Đình Yên cho biết: “Chính thức được UBND tỉnh phân giao thực hiện giải ngân nguồn vốn khởi nghiệp cho phụ nữ và thanh niên từ năm 2018, NHCSXH tỉnh chỉ đạo NHCSXH cấp huyện phối hợp với chính quyền địa phương, các cấp Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên thực hiện nghiêm túc việc thẩm định hồ sơ, đối chiếu điều kiện, tiêu chuẩn vay vốn để giải ngân cho vay một cách hiệu quả nhất. Theo chủ trương của UBND tỉnh sẽ giao vốn theo từng giai đoạn, tuy nhiên dựa trên nhu cầu thực tế từ Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đề xuất, các dự án khởi nghiệp nào thật sự tiềm năng, triển vọng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp hỗ trợ, phát triển nghề truyền thống… thiếu vốn sẽ được ưu tiên trước. Chính sách vốn của tỉnh dành cho khởi nghiệp rất ưu việt không chỉ ở chỗ thúc đẩy đam mê làm giàu của các cá nhân, doanh nghiệp mà còn hạn chế tình trạng tín dụng đen”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành khẳng định: Đồng hành của chính quyền địa phương là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Vì vậy, tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi như đất đai, thuế, vốn, ưu đãi về chi phí thuê mặt bằng, tư vấn, hỗ trợ pháp lý… nhằm giúp các cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin pháp luật, hạn chế các rủi ro trong kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Những kết quả mà phụ nữ và thanh niên làm được là nền tảng khẳng định tiềm năng, sức sáng tạo và đặc biệt là đức tính cần cù, yêu lao động của những người con quê hương Quan họ. Đó là những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp và phát triển những công nghệ mới. Những ý tưởng vừa nhạy bén với thị trường, vừa có quyết tâm, ý chí, nghị lực để đưa sản phẩm, dịch vụ mới đến với khách hàng trong và ngoài nước. Trong hàng nghìn ý tưởng, dự án khởi nghiệp, rất nhiều chủ dự án là những người trẻ tuổi. Nguồn vốn đã hỗ trợ thiết thực cho các mô hình thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp thành công, tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại khu vực nông thôn.
Vốn là hoạt động vật chất quan trọng cho hoạt động của doanh nghiệp, là điều kiện tiên quyết để duy trì và phát triển hoạt động SXKD. Nhu cầu về vốn nổi lên như một vấn đề cấp bách, đặc biệt là đối tượng doanh nghiệp khởi nghiệp. Với việc triển khai Đề án hỗ trợ vốn cho thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp từ nguồn ngân sách địa phương của Bắc Ninh không chỉ tạo lực đẩy lớn, tiếp thêm sức mạnh cho “Hệ sinh thái khởi nghiệp” của các địa phương trong tỉnh, hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo phát huy hiệu quả thiết thực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững, mà còn thiết thực đưa Nghị quyết TW 5 về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/hieu-ung-lan-toa-tu-nguon-von-khoi-nghiep-bai-2-lan-toa-tinh-than-phu-nu-khoi-nghiep.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/06/6.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.