- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Hiệu quả tín dụng chính sách trên quê hương Bác

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 18/05/2023 @ 9:29 sáng In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

bna-nguoi-dan-nam-dan-vay-von-nhcs-phat-trien-kinh-te-9004 [4]

Người dân Nam Đàn vay vốn NHCSXH đầu tư làm trang trại

Đổi thay nhờ vốn vay chính sách
Về thăm quê Bác một ngày tháng 5, điều dễ nhận thấy là dọc theo những con đường, nhiều nhà mới được xây dựng khang trang, dịch vụ thương mại sầm uất, các tuyến đường rực rỡ sắc hoa tạo nên diện mạo mới.
Theo chân cán bộ NHCSXH huyện Nam Đàn, chúng tôi đến thăm gia đình chị Tôn Thị Vinh ở xóm 5, xã Nam Thanh. Chị Vinh trước đây thuộc diện hộ nghèo thường xuyên của xã, kinh tế gia đình nhiều khó khăn, năm 2015, chị vay vốn NHCSXH 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi bò. Đến năm 2018, gia đình chị đã thoát nghèo và trả hết nợ. Chị Vinh chia sẻ: “Để thoát nghèo bền vững, tôi mạnh dạn vay tiếp chương trình hộ cận nghèo 30 triệu đồng để đầu tư mua 2 con bò. Nhờ biết cách chăn nuôi, kinh tế gia đình từng bước ổn định có thu nhập khá, đến năm 2021, gia đình tôi đã thoát nghèo và tiếp tục vay vốn NHCSXH chương trình hộ mới thoát nghèo 30 triệu đồng để mua thêm bò để chăn nuôi, hiện, gia đình còn 4 con bò, với tổng trị giá gần 130 triệu đồng”.
Nói tới Nam Đàn là nói tới sự chịu thương chịu khó và ham học của người dân nơi đây. Chính vì lẽ đó, nguồn vốn chương trình cho vay HSSV ở đây luôn có mức tăng trưởng khá. Rất nhiều HSSV nghèo nơi đây được đến trường học hành đến nơi đến chốn. Điển hình có gia đình ông Phạm Văn Thanh ở xóm 1, xã Nam Kim có 6 thành viên. Gia đình làm nông, những năm trước đây luôn nằm trong diện hộ nghèo của xã, nhưng với tinh thần ham học của các con, mong muốn vươn lên để thoát nghèo, ông đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo việc học cho các con. Với tổng số tiền vay là 200 triệu đồng, các con của ông Thanh được ăn học đến nơi đến chốn.
Từ năm 2012 đến nay, lần lượt ba người con của ông Thanh đều vào Đại học (hai người con đầu học Đại học Y Hà Nội, người con út học Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh). Đến nay, người con gái đầu đã tốt nghiệp ra trường và công tác tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, người con gái thứ hai làm ở Bệnh viện Tim Hà Nội, người con út vừa đi lao động có thời hạn ở Nhật Bản. Cả 3 người con của ông Thanh đều tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định, bắt đầu đã có thu nhập để cùng gia đình trả nợ ngân hàng.
Tín dụng chính sách xã hội đang là trợ lực giúp những người yếu thế có thêm động lực phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng sống và đặc biệt “hòa mình” vào dòng chảy kinh tế địa phương. Những năm trước đây, điều kiện kinh tế gia đình anh Hồ Viết Tân, ở xóm 4, xã Nam Anh gặp không ít khó khăn. Với ý nghĩ muốn vượt khỏi cảnh nghèo khó, anh đã mạnh dạn gặp gỡ và đề xuất với Hội Cựu chiến binh xã Nam Anh được vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế vườn đồi.
Thấy được ý tưởng của anh Tân khả thi, Hội Cựu chiến binh xã đã đề nghị NHCSXH huyện Nam Đàn hỗ trợ nguồn vốn giải quyết việc làm cho anh là 100 triệu đồng. Với số tiền được vay, anh Tân đã mua các loại giống cây phù hợp thổ nhưỡng như: hồng cậy, cam, quýt… Trong đó, cây hồng và quýt nổi tiếng về chất lượng của vùng núi Đại Tuệ, phù hợp với đề án phát triển kinh tế của xã Nam Anh về du lịch sinh thái gắn với văn hóa ẩm thực tâm linh. Nhờ học hỏi kinh nghiệm các hộ làm kinh tế phát triển vườn đồi có hiệu quả, chỉ sau 3 năm, anh Tân đã có nguồn thu nhập ổn định 50 triệu đồng/năm. Anh Tân tâm sự: “Tuy nguồn vốn hỗ trợ không nhiều, nhưng những lúc mình khó khăn thì càng đáng quý. Cũng nhờ có nguồn vốn này mà gia đình tôi mạnh dạn đầu tư góp phần tăng nguồn thu nhập cho gia đình”.
Tăng cả lượng và chất tín dụng chính sách

52dc0c1c54658a3bd374 [5]

Chị Tôn Thị Vinh ở xóm 5, xã Nam Thanh trao đổi với cán bộ NHCSXH huyện Nam Đàn

Hơn 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng trên địa bàn huyện Nam Đàn không ngừng tăng trưởng; đặc biệt là từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND huyện đã cân đối ngân sách chuyển 2 tỷ đồng sang NHCSXH huyện để bổ sung cho vay, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Hiện nay, NHCSXH huyện Nam Đàn đang triển khai cho vay 12 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đến ngày 30/4/2023 đạt 506 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng gần 10%, với gần 9.000 khách hàng đang vay vốn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho 22.303 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 15.830  hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 10.000 lao động, 10.903 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ xây mới và cải tạo 13.225 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 508 ngôi nhà cho hộ nghèo…
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo. Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên quê hương Bác trong thời gian qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Giám đốc NHCSXH huyện Nam Đàn Nguyễn Sỹ Hải cho biết: Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng Nông thôn mới; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 11,3 triệu đồng/người năm 2002 lên 57 triệu đồng/người năm 2022 (tăng hơn 5 lần so với năm 2002), giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2021 xuống còn 1,09%, đời sống của nhân dân đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện. Đặc thù huyện Nam Đàn về đích Nông thôn mới sớm, từ năm 2018 và đang hướng đến Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025 nên đối tượng hộ nghèo giảm. Các Sở ban ngành, Phòng Lao động, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp tích cực vào cuộc chỉ đạo điều tra cận nghèo đa chiều theo Nghị quyết 07, qua đó, vừa tăng trưởng dư nợ vừa nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/hieu-qua-tin-dung-chinh-sach-tren-que-huong-bac.html

URLs in this post:

[1] Tín dụng chính sách giúp Nam Đàn tiến đến nông thôn mới kiểu mẫu: https://vbsp.org.vn/tin-dung-chinh-sach-giup-nam-dan-tien-den-nong-thon-moi-kieu-mau.html

[2] Điểm tựa giúp các hộ dân miền núi thoát nghèo: https://vbsp.org.vn/diem-tua-giup-cac-ho-dan-mien-nui-thoat-ngheo.html

[3] Tín dụng chính sách trên quê hương Bác!: https://vbsp.org.vn/ti%cc%81n-du%cc%a3ng-chi%cc%81nh-sa%cc%81ch-tren-que-huong-ba%cc%81c.html

[4] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2023/05/bna-nguoi-dan-nam-dan-vay-von-nhcs-phat-trien-kinh-te-9004.jpg

[5] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2023/05/52dc0c1c54658a3bd374.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.