- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Gieo vốn xóa nghèo, vun mầm nông thôn mới

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 30/06/2018 @ 6:51 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

image001 [1]

Một mũi tên, hai đích đến

Về xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ia Hrung thuộc huyện Ia Grai (Gia Lai) những ngày này, không khó để nhận ra những con đường lầy lội, gập ghềnh 6 năm trước đã được bê tông, nhựa hóa phẳng lì, sạch sẽ. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố, mọc lên san sát, giữa bạt ngàn sắc trắng hoa cà phê như những bông tuyết bồng bềnh phủ trắng cành thoảng hương thơm, thanh khiết hứa hẹn một mùa cà phê bội thu. Một vùng quê trù phú đang ngày càng hiển hiện thêm rõ nét khi người dân nơi đây vừa đón danh hiệu xã nông thôn mới đầu năm 2018.

Là vùng căn cứ địa cách mạng vững chắc trong suốt hai cuộc kháng chiến song nhiều năm trước dù người dân ở đây kiên cường chịu thương chịu khó, nhưng đời sống còn nhiều khó khăn nhất là 5 làng của đồng bào Jrai chiếm 38% dân số xã. Đến năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới năm 2011, xã Ia Hrung chỉ đạt 5/19 tiêu chí; hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn chưa được hoàn chỉnh… Chính vì vậy để có thể tiếp sức cho chính quyền địa phương cũng như người dân xã xây dựng nông thôn mới, NHCSXH huyện Ia Grai đã bán sát kế hoạch phát triển kinh tế, tập trung nguồn vốn, mở rộng cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác từ việc gieo những vạt cà phê, trồng tiêu đến những chương trình tín dụng hỗ trợ người dân vùng khó khăn phát triển SXKD, xây dựng các công trình cung cấp nước sạch và xây nhà vệ sinh đảm bảo môi trường, thay thế nhà tranh tre nứa lá, để người dân vừa tạo sinh kế vừa đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của đời sống.

Chỉ một năm sau khi triển khai chương trình nông thôn mới của xã năm 2011, đến cuối năm 2012. Xã vùng 2 với 2 làng vùng 3 này khi đó có hơn 1.300 hộ dân nhưng đã có đến 1.033 hộ có dư nợ với NHCSXH phần nào qua đó thấy rõ bức tranh hộ nghèo ngày đó cũng như những nỗ lực của ngân hàng góp phần giảm nghèo chung tay xây dựng nông thôn mới.

image002 [2]

Tín dụng chính sách tín dụng ưu đãi giúp nhiều hộ gia đình ở vùng nông thôn thoát nghèo bền vững, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Bà Tăng Thị Minh Út - Chủ tịch Hội CCB xã gắn bó với hoạt động của NHCSXH từ năm 2013 tâm sự, vốn tín dụng đã giúp nhiều người dân trong đó có gia đình bà làm thay đổi hẳn cuộc sống. Nguồn vốn vay theo chương trình giải quyết việc làm giúp bà phát triển vườn cà phê. Và cũng chính từ việc trải và cảm nhận sự hữu dụng của nguồn vốn ấy, bà lại nhen thêm niềm tin, vận động người dân trong xã, đặc biệt là đồng bào Jrai vươn lên, thay đổi cuộc sống. Như gia đình anh K Bu Níc Cư, làng Út Một, hay như anh K Buh Quý, không chỉ đời sống bớt khó khăn cùng vườn cà phê hơn 500 gốc đã cho thu hoạch năm đầu tiên, anh vừa dựng được căn nhà mới khang trang thay cho chiếc nhà ghép tôn trước đó đã hoen gỉ. Đời sống của từng người dân cứ mỗi năm một thay đổi theo những mùa hoa cà phê, hồ tiêu được nhen mầm từ đồng vốn chính sách và điều kiện sống thêm nâng cao với các chương trình tín dụng, cho vay cung cấp NS&VSMTNT, nhà ở, việc làm, HSSV… Cuối năm 2017, chỉ còn hơn 900 hộ được hưởng thụ vay vốn không có nghĩa là dòng vốn thưa vắng dần bởi dư nợ đạt 27,2 tỷ đồng tăng gần 10 tỷ đồng so với năm 2012. Nhiều hộ đã không chỉ thoát nghèo mà thậm chí thành tỷ phú và trở thành khách hàng tiền gửi của NHCSXH… Chỉ tính trong 3 năm (2014 - 2016), xã Ia Hrung đã có 634 hộ thoát nghèo. Đến nay, xã chỉ còn 92 hộ nghèo, chiếm 6,8%.

Cuộc hành trình giảm nghèo mang sứ mệnh đi cùng những chương trình tín dụng chung tay xây dựng nông thôn mới như thế không chỉ có ở Ia Hrung mà đang được NHCSXH triển khai trên toàn bộ các tỉnh, thành trong cả nước với nhiều hình thái hỗ trợ hiệu quả.

Như ở Đà Nẵng, bên cạnh các chương trình tín dụng chính sách chung, để “đốc công” xây dựng nông thôn mới tại địa phương, NHCSXH thành phố đã đăng ký hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cùng những chính sách hỗ trợ riêng có với xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Chi nhánh đã thông qua việc khảo sát để tham mưu cho Ban đại diện HĐQT thành phố và huyện Hòa Vang bố trí nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để thực hiện xây dưng nông thôn mới, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn. Cũng trong năm 2017, NHCSXH đã bổ sung nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm 2 tỷ đồng để triển khai cho vay đối với xã Hòa Phú.

Hay như với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nguồn vốn tín dụng chính sách cùng với nguồn lực xã hội hóa mà NHCSXH giải ngân đã góp phần triển khai Nghị quyết HĐND thành phố về giảm nghèo giúp cho 310.709 lượt người, hộ nghèo thụ hưởng, góp phần giúp 6.183 hộ vươn lên thoát nghèo vượt kế hoạch 32,3%, đã 614 hộ nghèo có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn đã thoát nghèo đạt 102% kế hoạch. Đặc biệt Nghị quyết Thành ủy giao xóa hết hộ nghèo là người có công đã được thực hiện thành công với 100% hộ nghèo (242 hộ) người có công được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo, góp phần vào kết quả thực hiện chương trình thành phố “4 an” trên địa bàn, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,05% cuối năm 2016 xuống còn 1,18% cuối năm 2017.

Với một tỉnh nghèo như Quảng Nam càng nhìn rõ hơn những trợ lực của NHCSXH trong công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, nguồn vốn tập trung về các xã thực hiện nông thôn mới, đặc biệt các xã thuộc miền núi, hải đảo chiếm gần 83,3% tổng doanh số cho vay đạt 984 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, tổng dư nợ cho vay nông thôn mới đạt 3.319 tỷ đồng, chiếm 84% tổng dư nợ với 34.691 lượt hộ nghèo cận nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đã góp phần thoát nghèo hơn 18 nghìn hộ, đã góp phần hoàn thành chỉ tiêu số 10 về tăng thu nhập và tiêu chí số 11 về hộ nghèo; tín dụng đối với hộ nghèo xây nhà theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ với 875 ngôi nhà đã góp phần hoàn thành tiêu chí thứ 9 về xóa nhà tạm, nhà dột nát… Bức tranh xây dựng nông thôn mới của địa phương vì thế đã tăng 0,61 tiêu chí/xã so với năm 2016 đạt bình quân 13,11 tiêu chí/xã. Và nếu so với năm 2010, mức tăng rất ấn tượng với 10,5 tiêu chí/xã. Hiện Quảng Nam có 71 xã đạt 19 tiêu chí nông thôm mới, chiếm 34,8% tổng số xã.

Từ sứ mệnh đến trái tim tâm huyết

Nhìn lại 22 chương trình tín dụng chính sách mà NHCSXH đang triển khai được xây lên từ chính nhu cầu thiết thân của người nghèo, đối tượng chính sách nhằm giúp họ có thêm điểm tựa vượt qua khó khăn trong cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng đời sống, đảm bảo công bằng, an sinh xã hội. Và bao hàm trong các chính sách ấy là những trợ lực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới mà như Lãnh đạo Hội CCB Việt Nam đúc kết, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, NHCSXH đóng góp 6 tiêu chí cho vấn đề hộ nghèo, tăng thu nhập, hỗ trợ làm nhà ở, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự xã hội.

Và, trong diễn tiến của dòng chảy phát triển kinh tế, các chương trình tín dụng chính sách mới luôn được NHCSXH triển khai nhanh chóng đồng bộ cũng như có báo cáo với các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn vướng mắc kịp thời đã góp phần đầy nhanh việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Như năm 2017, NHCSXH đã triển khai Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020); hướng dẫn cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ; cho vay 4 tỉnh chịu thiệt hại từ sự cố môi trường biển, Nghị định 112/2017/NĐ-CP về quy định chế độ chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975; Đề xuất các Bộ, ngành trình Chính phủ điều chỉnh mức cho vay tín dụng HSSV, lãi suất cho vay nhà ở xã hội, và hiện đang trình nâng mức cho vay chương trình NS&VSMTNT…

Tính đến cuối năm 2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 171,79 nghìn tỷ đồng với gần 6,7 triệu hộ vay vốn. Trong đó, tín dụng thực hiện theo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao hoàn thành 100%. Dư nợ tập trung ở 6 chương trình có tính hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vừng và đạt các chỉ tiêu nông thôn mới như: cho vay hộ nghèo (22,7%), cho vay hộ cận nghèo (17,63%), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường…

Năm 2017, doanh số cho vay đạt 55,11 tỷ đồng với gần 2.100 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Doanh số cho vay chủ yếu tập trung vào hộ nghèo (20,24%), hộ cận nghèo (16,8%), hộ mới thoát nghèo (18,87%), nước sạch và vệ sinh môi trường (13,15%), cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn (12,45%). Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp gần 400 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 204 ngàn lao động, giúp gần 4000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp gần 65 ngàn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập trong năm, 1,2 triệu công trình cung cấp NS&VSMTNT, gần 46 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và hộ dân vùng ĐBSCL. Riêng tại địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, doanh số cho vay đến hết năm 2017 đạt 4.265 tỷ đồng/148 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 14.125 tỷ đồng/545 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ bình quân huyện nghèo là 221 tỷ đồng.

Việc thực thi các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 được NHCSXH đặt nhiệm vụ hàng đầu thêm rõ khi tổng cho vay các xã nông thôn mới năm 2017 trên toàn quốc đạt gần 34.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ trên 61% tổng doanh số cho vay của NHCSXH. Tổng dư nợ đến 31/12/2017 tại các xã nông thôn mới đạt 108.815 tỷ đồng chiếm 63% tổng dư nợ tăng gần 8% với trên 5,4 triệu khách hàng còn dư nợ, bình quân dư nợ tại các xã là 16,3 tỷ đồng. Riêng năm 2017, nguồn vốn tập trung vào các xã xây dựng nông thôn mới đã giúp cho trên 1,3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách góp phần hỗ trợ việc làm cho gần 80 ngàn lao động, trong đó trên 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn, giúp trên 37 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng trên 514 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn mới, xây dựng trên 25 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo.

Gần 20 tỷ đồng các cán bộ, viên chức NHCSXH ủng hộ cho người nghèo và các đối tượng chính sách trong năm 2017 góp phần thực hiện hoạt động an sinh đối với cộng đồng đặc biệt là những gia đình nghèo, gia đình gặp rủi ro thiên tai…

Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, tập trung phát triển nguồn lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. Dòng chảy tín dụng hòa chung với các chính sách thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần đưa tỷ lệ các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 lên 34,4% trong khi chỉ tiêu là 31%. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,51% trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2017 giảm từ 1,3 - 1,5%. Trong đó tại các huyện nghèo bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với năm 2016).

Theo kế hoạch năm 2018, cả nước sẽ phấn đấu có ít nhất 39 - 40% số xã (khoảng 3.530 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 5 - 6% so với năm 2017; có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 10 đơn vị so với năm 2017; bình quân tiêu chí/xã cả nước tăng thêm tối thiểu 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2017; giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống dưới 60 xã. Tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo DTTS giảm 3 - 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.

Để đẩy nhanh tiến trình thực hiện các mục tiêu này, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý cho biết, cùng với việc dồn các nguồn lực và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã ban hành, NHCSXH tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng tín dụng đặc biệt là các sản phẩm chất lượng cao nhằm phục vụ tốt hơn nữa người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tuy nhiên, với những đòi hỏi về thu nhập điều kiện sống của người dân ngày một cao, để có thể đồng hành trên con đường chung tay xây dựng nông thôn mới cùng cả nước, hơn lúc nào hết NHCSXH đặt ra những mục tiêu và kỳ vọng cao hơn trong hoạt động của ngân hàng. Đó không chỉ mục tiêu hỗ trợ các địa phương hoàn thành 2 Chương trình mục tiêu quốc gia mà kiến tạo động lực phát triển kinh tế bền vững cho nông thôn từ việc hỗ trợ sinh kế dài lâu mà như quan điểm của Đảng và Chính phủ là “cho cần câu chứ không cho con cá”.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/gieo-von-xoa-ngheo-vun-mam-nong-thon-moi.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2018/06/image00116.jpg

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2018/06/image0023.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.