- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Gia Lâm tiếp sức ngành nghề

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 24/05/2017 @ 10:11 sáng In Chi nhánh TP Hà Nội,Tin mới cập nhật | No Comments

Thông tin, thủ tục vay vốn chương trình tín dụng chính sách được NHCSXH huyện Gia Lâm niêm yết công khai tại các Điểm giao dịch xã [1]

Thông tin, thủ tục vay vốn chương trình tín dụng chính sách được NHCSXH huyện Gia Lâm niêm yết công khai tại các Điểm giao dịch xã

Gia Lâm là huyện ngoại thành, nằm ở cửa ngõ phía Đông của thủ đô Hà Nội. Huyện có 20 xã và 2 thị trấn đang trên đường đô thị hóa khá nhanh. Mấy năm nay, vốn vay ưu đãi góp phần giảm nghèo bền vững, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như: Vùng rau an toàn các xã Vân Đức, Yên Viên, Yên Thượng, Lệ Chi, Đặng Xá; Vùng trồng hoa, cây ăn quả, cây cảnh ở các xã Đông Dư, Đa Tốn, Kim Lan. Đến bất cứ xã, thôn nào cũng đều thấy dấu ấn của NHCSXH, đặc biệt đối với những làng nghề truyền thống như gốm sứ Bát Tràng, chế biến dược liệu Ninh Hiệp; Nghề dát vàng, bạc và may đồ da, giả da ở Kiêu Kỵ

NHCSXH huyện Gia Lâm hiện đang triển khai 07 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt gần 249 tỷ đồng, 11.934 hộ vay. Các chương trình tín dụng có số dư nợ cao nhất lần lượt là chương trình cho vay giải quyết việc làm trên 71 tỷ đồng; Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 64 tỷ đồngHộ mới thoát nghèo 60,4 tỷ đồng… Như vậy, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm ở Gia Lâm là khá lớn. Điều đáng nói hơn, trong số 2.652 hộ gia đình được vay vốn thì nguồn vốn TW chỉ là 13 tỷ đồng, còn lại hơn 58 tỷ đồng do ngân sách địa phương chuyển sang.

Thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân quả quyết: “Dù có thiếu cũng phải dành ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay.Với huyện Gia Lâm, NHCSXH không chỉ là kênh tạo lập sinh kế bền vững của người nghèo mà còn là kênh tín dụng tiếp sức hiệu quả cho ngành nghề vùng ven đô phát triển trong thời kỳ mới. Năm 2017 huyện đã bổ sung thêm 500 triệu đồng từ ngân sách huyện sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm”.

Nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo việc làm ổn định cho người lao động ở các làng nghề truyền thống của Gia Lâm [2]

Nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo việc làm ổn định cho người lao động ở các làng nghề truyền thống của Gia Lâm

Theo giới thiệu của Giám đốc Đặng Văn Lâm, chúng tôi về xã Kiêu Kỵ. Tiếp khách tại nhà, nghệ nhân ưu tú Lê Văn Vòng, năm nay 62 tuổi, cho biết: Làm quỳ vàng chưa bao giờ là công việc đơn giản. Để làm ra được một lá quỳ phải mất tới 40 công đoạn lớn nhỏ, làm thủ công ở mọi khâu. Một chỉ vàng, nghệ nhân Kiêu Kỵ có thể đập mỏng thành 980 lá vàng có diện tích lớn hơn 1m2 thì chưa có ngành công nghiệp nào làm được, kể cả công nghiệp dát vàng của Nhật. Chính vì vậy, cho đến nay, Kiêu Kỵ là làng “độc nhất vô nhị” trong cả nước làm nghề này và người dân sống được với nghề. Hầu hết các làng nghề tạc tượng, khắc hoành phi, câu đối hoặc làm hàng sơn mài trong Nam, ngoài Bắc là bạn hàng thân thiết của Kiêu Kỵ. Không những xưa mà gần đây, các họa sĩ trang trí những công trình kiến trúc lớn cũng đã tìm đến vàng quỳ Kiêu Kỵ dùng cho việc trang trí nội thất của Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Lăng Bác; các di sản văn hóa, kiến trúc được UNESCO công nhận như Kinh đô Huế, Hội An, cả Văn Miếu Quốc Tử Giám…càng không thể thiếu vàng quỳ, bạc quỳ.

Hiện nay ở Kiêu Kỵ có hơn 100 hộ gia đình làm nghề dát vàng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Theo ông Vũ Danh LaChủ tịch Hội Nông dân xã Kiêu Kỵ, do đặc điểm của nghề gắn với thế giới tâm linh, lương lao động ở làng nghề (4-5 triệu đồng/người) được trả 1 tháng 2 lần, vào 15 và 30 Âm lịch. Năm 2017, Hội Nông dân nhận ủy thác của NHCSXH hơn 6 tỷ đồng, toàn xã hơn 400 hội viên còn dư nợ. Khác với nghề dát vàng, nghề may da phát triển khá nhanh. Kiêu Kỵ hiện có khoảng 70 hộ sản xuất các mặt hàng may da, góp phần giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động của địa phương và các khu vực lân cận. Theo thống kê của UBND xã Kiêu Kỵ, mỗi năm trung bình làng nghề sử dụng trên 400.000m2 nguyên liệu da và vải, sản xuất ra khoảng 3 triệu sản phẩm như: cặp, ba lô, túi xách, ô dù, lều dã ngoại bằng nguyên liệu giả da, trên 1.500 đôi giày dép da

Những năm gần đây một số cơ sở sản xuất có quy mô lớn, đã nhận được đơn hàng của một số thương hiệu lớn, như: Honda, Thế giới di động, FPT… “Mong rằng sẽ có thêm nhiều vốn vay giải quyết việc làm, để sản phẩm làng nghề Kiêu Kỵ không chỉ có mặt trên thị trường trong nước mà còn vươn xa ra thế giới”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiêu Kỵ ao ước.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/gia-lam-tiep-suc-nganh-nghe.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2017/05/IMG_6452.jpg

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2017/05/Bat-trang-2.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.