- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Đưa vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 08/10/2018 @ 1:00 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

Cán bộ NHCSXH huyện Chư Pưh xuống xã Ia Hla giao dịch với người nghèo [1]

Cán bộ NHCSXH huyện Chư Pưh xuống xã Ia Hla giao dịch với người nghèo

“Ngân hàng lưu động” của người nghèo

Theo chân cán bộ NHCSXH huyện Chư Pưh, chúng tôi có mặt tại Điểm giao dịch xã Ia Hla. Tại đây, từ sáng sớm, cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện đã chuẩn bị đầy đủ thiết bị để phục vụ phiên giao dịch với người dân. Anh Nguyễn Bùi Hoàng Nam - Tổ trưởng Tổ giao dịch cho biết: “Theo quy định, chúng tôi tổ chức phiên giao dịch với người dân tại xã vào ngày 23 hằng tháng. Cứ đến hẹn là chúng tôi về giao dịch, không kể thứ bẩy hay chủ nhật”.

Có mặt tại Điểm giao dịch xã từ sớm, bà Siu H’Dư ở thôn Tai Pêr vui vẻ cho biết, từ năm 2015 đến nay, bà vay vốn 2 lần của NHCSXH 60 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, bà trồng được 5 sào hồ tiêu và mua 2 con bò về nuôi. “Có cán bộ ngân hàng về tận nơi nên mình không phải tốn nhiều thời gian, chi phí đi lại để làm hồ sơ, nhận vốn, nộp lãi, gửi tiết kiệm cũng như trả gốc. Không chỉ vậy, mình còn được hướng dẫn cách sử dụng đồng vốn hiệu quả”, bà H’Dư chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Sơn - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Cây Xoài cho rằng, việc giao dịch tại xã đã giúp tất cả các khâu từ làm hồ sơ đến thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm, thu nợ gốc diễn ra nhanh chóng, kịp thời. “Nếu NHCSXH không về xã giao dịch với bà con, tôi phải ra trung tâm huyện để họp giao ban và nộp hồ sơ, tiền lãi, tiền tiết kiệm của các tổ viên cho ngân hàng. Ngoài ra, Tổ trưởng không được phép thu nợ gốc nên 28 tổ viên phải ra tận trung tâm huyện để trả nợ khi đến hạn. Trong khi đó, đường từ xã ra trung tâm huyện dài 18km nên việc đi lại rất bất tiện. Khi ngân hàng về giao dịch tại xã, bà con đã tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí và công sức đi lại”, ông Sơn bày tỏ.

Có mặt tại phiên giao dịch, Chủ tịch UBND xã Ia Hla Kpui Bôk cho hay: Ia Hla là xã vùng III của huyện Chư Pưh, đời sống người dân còn rất khó khăn. Do đó, việc đặt Điểm giao dịch cố định tại xã đã tạo thuận lợi cho bà con trong quá trình giao dịch. Đặc biệt, qua hoạt động của Điểm giao dịch tại xã, người dân được gặp gỡ, chia sẻ, hướng dẫn cách sử dụng vốn, kinh nghiệm sản xuất nên đã phát huy được hiệu quả vốn vay. Tính đến nay, toàn xã có 755 hộ vay với dư nợ trên 22,2 tỷ đồng.

Kênh dẫn vốn xuống vùng sâu

Bà Lê Thị Thanh - Giám đốc NHCSXH huyện Chư Pưh cho biết: Toàn huyện có 9 Điểm giao dịch cố định tại các xã, thị trấn. Hằng tháng, vào những ngày cố định, các tổ giao dịch của đơn vị  gồm Tổ trưởng và 3 giao dịch viên được trang bị đầy đủ thiết bị để về UBND xã giao dịch với người dân. NHCSXH huyện cũng niêm yết công khai, rõ ràng các chế độ, chính sách, quy định của ngân hàng, lãi suất cho vay tại trụ sở UBND xã, thị trấn để người dân nắm rõ. Đồng thời, đơn vị cử cán bộ tín dụng và Tổ trưởng đến từng gia đình để thông báo cũng như đôn đốc các hộ đóng lãi, gửi tiết kiệm. Riêng đối với những hộ đã đến hạn trả nợ gốc sẽ được thông báo trước ngày giao dịch từ 2 đến 3 tháng để chuẩn bị.

Cũng theo bà Thanh, sau khi giao dịch với người dân, tổ giao dịch tổ chức họp giao ban với các đơn vị ủy thác và Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn để hướng dẫn nghiệp vụ sổ sách, triển khai các chủ trương, chính sách mới, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến vấn đề thu nợ gốc, lãi. Ngoài ra, phiên giao dịch nào có tổng thu nợ cao trên 1 tỷ đồng, đơn vị sẽ xin ý kiến của lãnh đạo cấp trên mở phiên giao dịch phụ sau đó từ 3 - 5 ngày để giải ngân lại nhằm giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi sớm nhất. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát lại các đối tượng trên địa bàn còn nằm trong diện nghèo có nhu cầu vay vốn; đồng thời, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch tại xã để tạo thuận lợi cho người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi”, bà Thanh khẳng định.

Thông qua Điểm giao dịch tại xã, toàn huyện có trên 8.000 hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với dư nợ trên 231,3 tỷ đồng. Đồng thời, huy động được hơn 18,3 tỷ đồng vốn nhàn rỗi trong nhân dân.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/dua-von-tin-dung-chinh-sach-den-ho-ngheo.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2018/10/222556.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.