- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Đồng Tháp phát huy hiệu quả Tổ tiết kiệm và vay vốn

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 26/09/2019 @ 3:48 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 4.137 Tổ tiết kiệm và vay vốn [1]

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 4.137 Tổ tiết kiệm và vay vốn

Từ hộ gia đình khó khăn và vươn lên khá giả nhờ nguồn vốn ưu đãi, ông Nguyễn Thụy Bình ở ấp An Hòa, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò chia sẻ, năm 2015, sau khi được tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật nuôi bò của Phòng Nông nghiệp huyện, ông được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm.

Với số tiền này, ông đã mạnh dạn đầu tư 4 con bò giống sinh sản. Trong năm năm qua, chuồng bò của gia đình ông đã phát triển và luôn duy trì từ 8 - 12 con bò; trong đó, có 5 con bò trong giai đoạn sinh sản. Với số bò này, ước mỗi năm, gia đình bán 2 - 4 con, thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.

Bà Phan Thị Kim Nhung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, Hội đang quản lý 982 Tổ tiết kiệm và vay vốn; trong đó 86% tổ tốt, khá; tỷ lệ nợ quá hạn 0,37% (giảm so với năm 2014 là 0,34%). Hội xác định rõ tổ tiết kiệm và vay vốn là nơi tập hợp, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp các hộ gia đình có điều kiện tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, có vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống.

Để hoạt động vay vốn được hiệu quả, giải ngân đúng đối tượng, các tổ tiết kiệm và vay vốn trực thuộc thực hiện đúng quy định việc bình xét hộ vay công khai, dân chủ có sự giám sát của chính quyền, Hội cấp xã và nhanh chóng hướng dẫn hộ vay hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để ngân hàng giải ngân, không để đọng vốn.

Không chỉ vậy, để thực hiện tốt việc ủy thác cho vay, Hội luôn có cán bộ phụ trách sát cánh cùng Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện thực hiện nhiều giải pháp để nông dân nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách nhanh nhất; tổ chức trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế lồng ghép với các nội dung sinh hoạt Hội; phối hợp tổ chức dạy nghề, tạo thêm việc làm.

Hội cũng đôn đốc hộ vay trả vốn khi đến hạn, có nhiều trường hợp hộ vay vốn gặp rủi ro, vận động mọi thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn giúp đỡ để trả vốn, lãi, có những trường hợp có biểu hiện nợ chây ỳ, khó đòi, đã kiên trì vận động để đảm bảo thu hồi nợ đúng hạn.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Đồng Tháp Lại Văn Bé Chín cho hay, trong những năm qua, hội đoàn thể các cấp cùng với Ban Giảm nghèo của NHCSXH thực hiện tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Nếu như cuối năm 2014, toàn tỉnh có 4.137 Tổ tiết kiệm và vay vốn, bình quân 42 tổ viên/tổ; dư nợ bình quân 524 triệu đồng/tổ thì đến 30/6/2019 toàn tỉnh có 3.317 tổ, 47 tổ viên/tổ, dư nợ bình quân 970 triệu đồng/tổ. Hiện có 1.912 tổ xếp loại tốt, chiếm tỷ lệ 57,6% trên tổng số tổ; 896 tổ xếp loại khá, chiếm tỷ lệ 27%; tổ xếp loại trung bình 410 tổ, chiếm tỷ lệ 12,3%; tổ xếp loại yếu là 99 tổ chiếm tỷ lệ 2,98%. 

Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, Đồng Tháp hiện có với 133 Điểm giao dịch ở 144 xã, phường, thị trấn. Tại Điểm giao dịch thực hiện giao dịch theo lịch cố định một ngày/tháng, thực hiện công khai các thông tin tín dụng chính sách, công khai danh sách hộ gia đình vay vốn còn dư nợ, hòm thư góp ý, số điện thoại đường dây nóng… Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch, đến nay Điểm giao dịch xã của NHCSXH đã được tất cả người dân đồng tình ủng hộ. 

Ngoài ra, việc thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng ấp, khu vực, có sự tham gia giám sát của chính quyền địa phương, thực hiện giao dịch tại xã đã tạo điều kiện giải quyết vốn vay kịp thời cho người dân, việc quản lý vốn chặt chẽ, sâu sát hơn cùng với cơ cấu bộ máy điều hành tác nghiệp ngân hàng gọn nhẹ nên đã tiết kiệm chi phí quản lý Nhà nước.

Bên cạnh cho vay vốn, ngân hàng đã thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm từ cộng đồng người nghèo thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Theo đó, tính đến cuối tháng 6/2019, NHCSXH tỉnh đã huy động được hơn 168 tỷ đồng từ tiền gửi tiết kiệm của người dân thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh, tăng hơn 130 tỷ so với năm 2014.

Việc huy động tiền gửi tiết kiệm đã hoàn thiện mô hình tài chính vi mô, giúp người nghèo có kế hoạch trong chi tiêu quỹ tài chính gia đình. Nguồn vốn huy động được sử dụng cho vay lại ngay các thành viên trong Tổ nên đã khuyến khích các thành viên tham gia gửi tiền.

Quan tâm, chăm lo đến đời sống hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, nguồn vốn vay từ NHCSXH là một trong những biện pháp kinh tế tạo điều kiện bước đầu giúp người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hơn thế, một nửa giá trị của việc giải ngân còn mang giá trị sâu xa đó là tạo niềm tin trong xã hội cho những người nghèo - những người dễ bị tổn thương, bị bỏ rơi thoát khỏi tâm lý tiêu cực, có ý chí, động lực để lao động chính đáng.

Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, không phải giải ngân rồi mang tâm lý chờ đến kỳ thu hồi nợ, mà người làm tín dụng cho người nghèo phải biết sâu sát thực tế về tình hình và trăn trở với cách làm của người dân sau khi giải ngân vốn, làm sao để phát huy hiệu quả nguồn vốn tốt nhất.

“Nếu như có vốn nhưng người dân không kiến thức và phương án kinh doanh thì việc thu hồi vốn cũng sẽ trở nên rất khó khăn” - ông Hoan nhấn mạnh - “vì vậy, cần tạo ra các mối liên kết, tạo ra không gian cho người nghèo được học tập, xây dựng tinh thần hợp tác, tạo chất kết dính ngay từ các thành viên trong tổ tiết kiệm và vay vốn để cùng vươn lên thoát nghèo.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/dong-thap-phat-huy-hieu-qua-to-tiet-kiem-va-vay-von.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/09/IMG_0384.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.