- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

“Cuộc chiến” thoát nghèo của nông dân vùng Bắc Tây Nguyên

Posted By On 12/02/2014 @ 10:48 sáng In Tin mới cập nhật | No Comments

Nông dân xã ĐăkBlà (Kon Tum) vay vay ưu đãi trồng cao su tiểu điền [1]

Nông dân xã ĐăkBlà (Kon Tum) vay vay ưu đãi trồng cao su tiểu điền

Năm qua, NHCSXH tỉnh Kon Tum đã tập trung vào các chương trình tín dụng quan trọng như: cho vay HSSV, cho vay hộ nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Đặc biệt, chương trình cho vay hộ nghèo phải đảm bảo đúng đối tượng, đạt 100% số hộ nằm trong danh sách có nhu cầu được vay vốn để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Cùng với đó, NHCSXH tập trung phối hợp với các hội, đoàn thể hướng dẫn hộ vay phương thức sản xuất, kỹ thuật cây trồng vật nuôi… sao cho đồng vốn khi đến tay hộ nghèo được tiếp tục sinh lợi, giúp người dân cải thiện đời sống một cách thiết thực nhất.

Với cơ ngơi khang trang cùng đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, sản xuất, ít người biết được 8 năm về trước, ông Trần Văn Thanh cùng vợ con đành phải rời miền quê nghèo khó huyện Thăng Bình (Quảng Nam) để lên lập nghiệp tại thị trấn Đăk Rơ Ve, huyện Kon Rẫy (Kom Tum). Qua quá trình điều tra thống kê hộ nghèo, ông Thanh được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện giúp đỡ như cấp đất ở, đất sản xuất và Hội Nông dân đứng ra tín chấp cho ông vay vốn ưu đãi của NHCSXH. Nhờ chí thú làm ăn, biết tính toán, sử dụng vốn vay ưu đãi và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên khoảng 3 năm sau, gia đình ông Thanh đã đạt được kết quả về chăn nuôi, trồng trọt, tích luỹ một số vốn kha khá, một phần để trả nợ cho ngân hàng, phần còn lại ông tái đầu tư cho sản xuất. Đến nay, cơ ngơi của gia đình ông bao gồm 5 sào hồ tiêu, 1ha cà phê, 3ha lúa nước, mỳ xen bắp. Bên cạnh đó, ông còn nuôi 4 con bò, 5 con heo nái và đàn gia súc gần 100 con, đạt mức thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Gia đình ông không chỉ trả đủ vốn và lãi cho ngân hàng, thoát khỏi danh sách hộ nghèo mà còn xây được ngôi nhà ngói khang trang, lo liệu cho mấy đứa con học hành đến nơi đến chốn.

Khác với hoàn cảnh ông Thanh phải rời bỏ quê hương nghèo khó để kiếm kế sinh nhai trên quê mới, bà Y Liên xã Đăk Môn, huyện Đắk Glei - một người dân bản địa tại tỉnh Kon Tum, trước năm 2006 cũng thuộc diện hộ nghèo thường xuyên sống trong hoàn cảnh thiếu trước hụt sau. Năm 2007, được cán bộ xã hướng dẫn, vợ chồng bà vay 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện để đầu tư vào sản xuất đồng thời đăng ký theo học lớp khuyến nông do Trạm khuyến nông huyện mở tại xã. Từ đó, gia đình bà “mở mang” kiến thức, tập trung đầu tư chăm sóc 5 con heo nái và 1ha cà phê. Với cách làm “lấy ngắn nuôi dài” đó, đến nay gia đình bà đã có thu nhập bình quân 40 - 50 triệu đồng/năm, trả được vốn vay ngân hàng, thoát nghèo, lại còn tích luỹ được một số vốn để trồng 2ha cao su tiểu điền theo Đề án hỗ trợ hộ nghèo trồng cây cao su của tỉnh.

Ông Ao Thành Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kon Tum khẳng định: “Nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo rất quan trọng và cần thiết trong việc triển khai có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững ở địa phương”.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/cuoc-chien-thoat-ngheo-cua-nong-dan-vung-bac-tay-nguyen.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2014/02/12.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.