- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Công cụ hữu hiệu trong thực hiện mục tiêu Quốc gia

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 24/04/2019 @ 6:59 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

Hoạt động tín dụng chính sách đã và đang thẩm thấu và lan tỏa trong đời sống [1]

Hoạt động tín dụng chính sách đã và đang thẩm thấu và lan tỏa trong đời sống

Công cụ hỗ trợ trực tiếp cho giảm nghèo

Vợ chồng ông YaGa và bà K’Đốt ở làng Gia Bá, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) giờ đã có thể tận hưởng tuổi già và không còn trong danh sách hộ nghèo không phải từ việc vay vốn phát triển kinh tế mà là vay vốn cho con đi học. Nhà có 8 xào cà phê, 1 mẫu ruộng lại nuôi thêm đàn lợn, thế nhưng những ngày tháng đầu thế kỷ XXI, hai vợ chồng bà vẫn phải đi làm thuê làm mướn nuôi 6 đứa con ăn mà nhiều lúc còn thiếu đói. Thế nên, cô con gái đầu sinh năm 1983 chỉ có thể vào học đại học y, khi ông bà được Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn và cán bộ Hội Phụ nữ “chỉ lối” tiếp cận nguồn vốn HSSV. 3 triệu đồng ngày đó giúp ông bà có tiền cho con đóng học phí. Song việc cáng đáng thêm tiền ăn cho con đi học khiến nguồn tài chính gia đình càng thêm cạn kiệt.

”Đứa thứ 2 đỗ cao đẳng sư phạm, tôi bảo nó là cha mẹ không có tiền cho đi học. Nó khóc liền hai ngày hai đêm”, bà K’Đốt kể. Thương con, bà lại tìm đến NHCSXH. Thế rồi lần lượt 3 cô sau trừ cô áp út, vẫn theo đường mòn cũ của các chị bước vào giảng đường đại học với nguồn vốn tín dụng HSSV từ NHCSXH huyện Đức Trọng. Bà kể, “tôi chỉ vay thôi, chứ trả là các cháu. Đứa trước đi làm đỡ đần cha mẹ và các em sau ăn học và trả nợ. Đến nay 5 món vay HSSV của bà đã trả xong 3 món chỉ còn hai món vay cho các con đang học và chưa đến hạn với tổng giá trị 75 triệu đồng. Hỏi bà nghèo thế, khổ thế sao còn cố công cho con đi học, bà cười bảo: “Người K’Ho là chế độ mẫu hệ, con gái lấy chồng là phải cho đất, cho ruộng, mình chẳng có thì cố cho con học cái chữ để tự nuôi thân, thoát khỏi cái nghèo bền vững”.

Giờ thì 6 đứa con bà 4 đứa đã ra trường, có việc làm, chỉ còn lại hai cô đang học ở Đà Lạt. Lại thêm nguồn vốn hộ cận nghèo vay từ năm 2015 tái canh cà phê và con cái bù phụ, ông bà giờ nhàn nhã trông vườn tược.

Cũng một con đường như gia đình ông YaGa, gia đình ông YKhuân ở bon Donden là khách hàng “thâm niên” của NHCSXH từ năm 2005 với 5 triệu đồng vốn vay hộ nghèo. Song cho đến nay, gia đình ông vẫn chưa thể thoát nghèo bền vững phần vì đất đai để trồng cà phê cũng chỉ có 1,8ha mà con thì có đến 7 đứa. Nhà nghèo, xong ông chẳng thể khuyên các con bỏ học, phần vì “chúng nó nói đến cho nghỉ học là khóc” phần vì mong mỏi “Bố mẹ không biết chứ thì cho con cái biết chữ, biết cái nghề để kiếm ăn”

Chính bởi vậy từ năm 2010 đến nay, ông đã vay NHCSXH 34,5 triệu đồng nguồn vốn HSSV để cho 3 con đi học trong đó có một người con học tài chính ngân hàng đã đi làm, 2 con khác một học cao đẳng dược Sài Gòn, một học đại học ngoại ngữ trên Đà Lạt. Các con trưởng thành dần, gánh nặng vơi bớt đã giúp ông ra khỏi danh sách nghèo từ năm 2017 và cũng từ đó đấn nay, ông vay 30 triệu trồng cà phê lấy tiền giúp các con hoàn thành ước mơ học nghề.

Những câu chuyện thoát nghèo như trên càng minh chứng hiệu quả thực thi chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất do NHCSXH thực hiện là một cấu phần quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua.

Hiệu ứng của việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia ngày càng lan tỏa với việc NHCSXH đã thành lập Ban Chỉ đạo và Kế hoạch triển khai và phân công nhiệm vụ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 tại NHCSXH, trong đó Tổng Giám đốc NHCSXH trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo. Tại chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 tại đơn vị để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện HĐQT các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương uỷ thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn và chỉ đạo, thực hiện tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo làm cơ sở thực hiện chính sách tín dụng. Đồng thời, trên cơ sở danh sách các huyện, xã được phê duyệt xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 tại địa phương, mỗi đơn vị đã lựa chọn và đăng ký hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đối với 01 đơn vị cấp huyện và xã trên địa bàn.

Cùng với các đề xuất với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn về công tác huy động nguồn lực, cấp vốn từ NSNN, cấp bù lãi suất và phí quản lý, vốn ủy thác từ ngân sách địa phương; phối hợp triển khai các chương trình mục tiêu, xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước… NHCSXH đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tích cực tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi nhiều cơ chế chính sách mới, như: cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP; cho vay hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL; cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; cho vay bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững; nâng mức vay đối với chương trình HSSV; điều chỉnh mức vay thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,…

Bên cạnh đó, NHCSXH đã tích cực phối hợp giám sát, đánh giá thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; khảo sát việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số; tham gia các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020; Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định 131/QĐ-TTg phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020; ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP về một số chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều; ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020;…

Nguồn vốn tín dụng chính sách trong thời gian qua đã được tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó trên 90% dư nợ tín dụng chính sách được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giáo dục và đào tạo. Tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng giai đoạn 2016 - 2018 đạt 159.091 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 116.411 tỷ đồng Tính đến 31/12/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 16.003 tỷ đồng (+9,3%) so với năm 2017, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn.

Với các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, doanh số cho vay đạt 6.121 tỷ đồng, với gần 185 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại các huyện nghèo đạt 20.309 tỷ đồng, với gần 595 nghìn khách hàng còn dư nợ. Thời điểm cuối 2017 dư nợ bình quân một huyện nghèo trên 227 tỷ đồng; hiện nay, dư nợ bình quân đạt trên 239 tỷ đồng/huyện.

Với mục tiêu cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, NHCSXH có chương trình cho vay để xây dựng nhà ở, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Tổng doanh số cho vay tại các xã nông thôn mới giai đoạn 2016 -2018 trên toàn quốc đạt 98.814 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 62,1%/tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng tại NHCSXH. Dư nợ bình quân/xã đạt 17,5 tỷ đồng, tăng 3,9 tỷ đồng (+28,7%) so với đầu năm 2016.

Góp sức xây dựng nông thôn mới

Trong giai đoạn 2016 - 2018, tại các xã xây dựng nông thôn mới đã có 3,9 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 226 nghìn lao động, trong đó hơn 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 90 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,5 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng gần 53 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo;…

Những trợ lực giảm nghèo xây dựng nông thôn mới được công hưởng thêm lực đẩy từ các hoạt động an sinh xã hội đối với cộng đồng của NHCSXH. Trong giai đoạn 2016 -2018, NHCSXH đã thực hiện trên 70,6 tỷ đồng để tặng quà cho hộ gia đình nghèo, hộ gia đình chính sách, xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ các gia đình gặp rủi ro do thiên tai, mưa lũ, bị sự cố về môi trường…

Để tiếp tục trở thành một nguồn lực trụ cột thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, bên cạnh việc bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã ban hành, NHCSXH sẽ chủ động báo cáo và làm việc với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ bố trí kế hoạch vốn NSNN để cấp vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách, cấp vốn điều lệ cho NHCSXH theo quy định; tập trung chỉ đạo giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng chính sách theo kế hoạch được giao; đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng.NHCSXH cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đơn giản thủ tục theo quy định, duy trì và nâng cao chất lượng tín dụng. Việc tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng sự phối hợp hiệu quả giữa các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách xã hội sẽ là những động lực để chính sách tín dụng thẩm thấu và lan tỏa trong đời sống.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/cong-cu-huu-hieu-trong-thuc-hien-muc-tieu-quoc-gia.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/04/Ảnh-600-2.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.