- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Chính phủ ưu tiên vốn cho các dự án nhà ở xã hội

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 07/12/2016 @ 5:07 chiều In Tin nổi bật | No Comments

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội [1]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội

80% người dân có nhu cầu nhà ở đều muốn mua nhà ở xã hội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ là phải quan tâm đến đời sống của người dân, trong đó có việc ăn, ở, mặc và đi lại. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở.

Để cụ thể hóa điều này, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng đã nêu, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân Khu công nghiệp, Khu chế xuất và sinh viên. Chính phủ cũng đã có Chiến lược quốc gia về nhà ở giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030. Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc đảm bảo nhà ở xã hội cho người dân.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả tóm tắt việc thực hiện các chính sách, chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, đến nay chương trình đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp. Trong đó, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, giai đoạn I (2013 - 2016) có 80.000 hộ người có công được triển khai hỗ trợ nhà ở, với nguồn kinh phí khoảng 2.500 tỷ đồng. Theo báo cáo của các địa phương, đến hết tháng 11/2016 đã hoàn thành hỗ trợ cho 91.302 hộ (trong đó có 51.064 hộ xây mới và 40.238 hộ sửa chữa, cải tạo); đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho khoảng 6.800 hộ.

Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn: Giai đoạn I (2008 - 2012) đã hoàn thành hỗ trợ 531.000 hộ (đạt 107% so với kế hoạch); hiện nay đang tiếp tục triển khai giai đoạn II (theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg), với khoảng 311.000 hộ, theo đề án của các địa phương có 268.000 hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ đã đăng ký vay vốn. Tính đến tháng 10/2016 đã có 8.800 hộ dân được vay vốn, với dư nợ khoảng 220 tỷ đồng/394 tỷ đồng mà NHCSXH đã giao chỉ tiêu cho 57 địa phương…

Các dự án phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp: từ 2009 đến nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 179 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 71.150 căn hộ, tương đương với khoảng 3,7 triệu m2, tổng mức đầu tư khoảng 25.900 tỷ đồng (gồm: 97 dự án nhà ở xã hội cho công nhân Khu công nghiệp, 82 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp); hiện nay các địa phương trên cả nước đang tiếp tục triển khai 191 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 163.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỷ đồng (gồm: 70 dự án nhà ở xã hội cho công nhân Khu công nghiệp, 121 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp).

Dù vậy, Bộ trưởng Xây dựng cũng xác nhận một số chương trình nhà ở phát triển chậm so với kế hoạch ban đầu. Việc phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân Khu công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (mới thực hiện được khoảng 71.000 căn hộ so với chỉ tiêu 250.000 căn, giải quyết được 28% nhu cầu).

Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu nêu lên một số điểm mấu chốt ảnh hưởng đến chương trình nhà ở xã hội như đất đai, chính sách hỗ trợ, công tác tổ chức thực hiện.

“Nhu cầu nhà ở rất lớn, tới 80% người dân có nhu cầu thì đều là cần sự hỗ trợ thì mới lo được nhà ở cho gia đình. Chỉ 20% số người dân có khả năng tự lo, tự chi trả cho lựa chọn chỗ ở của mình”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Còn theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần một chương trình hỗ trợ lãi suất, chứ không thể để một dự án nhà ở xã hội có lãi suất vay cao như thế. Với quan điểm coi đây là một phần đầu tư quan trọng, nên dành một phần ngân sách chính thức từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp để lo vấn đề này. Bên cạnh đó, cũng cần hỗ trợ tín dụng cho người mua.

Bên cạnh việc kiến nghị về nguồn lực thực hiện chương trình nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị ngân sách Nhà nước cân đối bố trí vốn cụ thể để tập trung giải ngân trước chương trình hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 33 và cho vay hộ nghèo làm nhà ở phòng, tránh lũ, lụt theo Quyết định số 48, là các chương trình đang bức thiết.

Không thể nói người nghèo phải ở riêng

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển cho nhà ở xã hội cho phù hợp với tình hình mới. Trước hết, việc này giao cho một đầu mối chịu trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tham mưu ban hành và đề xuất ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cụ thể hơn.

DSC_4726 [2]

 

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp chính sách tín dụng, thuế, bù lãi suất để khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhất là nguồn lực trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội theo hướng tăng nguồn lực xã hội, giảm nguồn vốn Nhà nước, giảm dần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, chuyển sang hỗ trợ tín dụng ưu đãi theo thông lệ quốc tế…

Các địa phương và Trung ương bổ sung chương trình phát triển nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương tại Quyết định số 40 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ KH&ĐT nghiên cứu đề xuất, báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Nghị quyết 1023 về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư…

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, có cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp, tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở theo quyết định của Thủ tướng đã ban hành.

Thủ tướng yêu cầu khu đô thị nhà ở xã hội phải quy hoạch đồng bộ các thiết chế văn hóa, có một tỷ lệ thích hợp giữa nhà ở thương mại, tức phân khúc cao cấp hơn và nhà ở xã hội. “Tôi thấy một khu vui chơi giải trí rất vui, người giàu, người nghèo xuống cùng chơi, bình đẳng như thế, chứ không người giàu ở riêng, người nghèo ở riêng”, Thủ tướng nói về ấn tượng sau khi thăm khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội ngày 6/12.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vật liệu mới, giảm giá thành, đề xuất giải pháp, cơ chế, nguồn lực giải quyết triệt để vấn đề nhà ở nói chung, trong đó có nhà chống lũ hộ nghèo miền Trung nói riêng.

“Vấn đề rất quan trọng là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở công nhân”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Tôi cho rằng, yếu tố lãnh đạo của địa phương quyết định sự thành công của nhà ở xã hội nói chung và đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Trong đó có việc các đồng chí cải cách thủ tục hành chính nhanh gọn thuận lợi cho nhà đầu tư”.

Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị công tác hỗ trợ, tuyên truyền vận động thực hiện chính sách nhà ở xã hội, đặc biệt chú trọng vận động nguồn lực trợ giúp hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

 

Đại diện NHCSXH - đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ thực thi thực hiện tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh: Đến nay, tăng trưởng dư nợ được Thủ tướng giao cơ bản hoàn thành với tổng dư nợ đạt 156.258 tỷ đồng. Trong tổng số 20 chương trình tín dụng chính sách NHCSXH đang thực hiện, có 3 chương trình cho vay về nhà ở xã hội. Cụ thể, chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 (giai đoạn II là Quyết định 33) đã giải ngân 4.110 tỷ đồng với 493.921 hộ đang vay vốn, trong số này đã thu hồi 368 tỷ đồng; Chương trình cho vay xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ ĐBSCL đã giải ngân 1.121 tỷ đồng với 104.739 hộ được vay vốn; Cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lũ lụt khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung theo Quyết định 48 hiện tại cho vay được 10.543 hộ.

Đối với chương trình cho vay hỗ trợ về nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015-NĐ-CP, NHCSXH ban hành hướng dẫn ngay sau khi Thông tư số 20 của Bộ Xây dựng có hiệu lực; đồng thời thống nhất với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác về phương thức cho vay và tổ chức tập huấn tới 100% cán bộ chủ chốt NHCSXH trong toàn hệ thống. Đến nay, NHCSXH đã chuẩn bị đầy đủ vật chất, nhân lực và xây dựng các quy trình nội bộ sẵn sàng thực hiện chương trình nhà ở xã hội ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn.

 

 


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/chinh-phu-uu-tien-von-cho-cac-du-an-nha-o-xa-hoi.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2016/12/DSC_4725.jpg

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2016/12/DSC_4726.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.