- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Chỉ thị 40 ở nơi “đất Phú trời Yên”

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 03/02/2019 @ 6:00 sáng In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

Tín dụng chính sách giúp các làng nghề ở Phú Yên hồi sinh [2]

Tín dụng chính sách giúp các làng nghề ở Phú Yên hồi sinh

Chính quyền vào cuộc quyết liệt

Đầu năm 2017, tỷ lệ nợ quá hạn các chương trình tín dụng chính sách xã hội của xã Hòa Xuân Đông xếp thứ 9/10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đông Hòa. Trước tình hình này, ông Huỳnh Minh Thường - Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Đông, thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Đông Hòa đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của đại diện các hội, đoàn thể trên địa bàn tìm hướng khắc phục. Cụ thể, các đơn vị liên quan sẽ tiến hành rà soát những trường hợp nợ dây dưa, kéo dài để xây dựng kế hoạch thu nợ phù hợp; đối với các hộ vay đi làm ăn xa thì tranh thủ lúc họ về địa phương để vận động thu nợ. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn kịp thời thông báo cho hộ vay trước 3 tháng khi nợ chuẩn bị đến hạn. Các hội, đoàn thể, thôn, tổ bình xét hộ vay công khai, đúng đối tượng; đồng thời tập trung kiểm tra xem hộ vay sử dụng vốn có đúng mục đích hay không… Ngoài ra, ông Thường còn yêu cầu Trưởng, Phó các hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn phải tham gia giao ban hằng tháng với ngân hàng để nắm được chủ trương, chính sách, tình hình triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã; đồng thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

“Bằng nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt như vậy, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn đã có sự cải thiện đáng kể. Từ một xã có tỷ lệ nợ quá hạn áp chót, đến cuối năm 2017, Hòa Xuân Đông đã vươn lên trở thành đơn vị có nợ quá hạn thấp nhất huyện và duy trì cho đến nay”, ông Thường phấn khởi cho biết.

Xã An Mỹ, huyện Tuy An cũng là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác quản lý vốn và triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Hiện xã có tổng dư nợ hơn 27 tỷ đồng, tăng gần 4 tỷ đồng so với đầu năm, với 1.200 hộ còn dư nợ và không có nợ quá hạn. Toàn xã có 25 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tất cả đều xếp loại tốt. Kết quả này có được một phần nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo xã. Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch UBND xã An Mỹ cho biết: “Từ khi là thành viên Ban đại diện HĐQT cấp huyện, tôi thường xuyên tham gia họp giao ban với NHCSXH tại xã, tham gia các cuộc họp định kỳ của Ban đại diện HĐQT cấp huyện để nắm bắt kịp thời diễn biến hoạt động tín dụng, tiếp nhận những nội dung mới, đồng thời kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách để tìm cách tháo gỡ kịp thời. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại địa phương”.

Không chỉ thay đổi từ cấp cơ sở, mà ở cấp huyện, chính quyền các địa phương cũng thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, Nguyễn Văn Khoa, địa phương đã thống nhất đưa tỷ lệ nợ quá hạn trở thành một chỉ tiêu quan trọng trong việc bình xét thi đua của các tập thể, cá nhân và bình xét khu phố, thôn văn hóa trên địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo các thành viên Ban đại diện tăng cường kiểm tra, giám sát đầy đủ theo kế hoạch; chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách được hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao. “Đối với các địa bàn chất lượng tín dụng thấp, chúng tôi làm việc trực tiếp, giao nhiệm vụ cho địa phương thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao. Từ đó, các xã, phường đã có những chuyển biến tích cực; cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn trong công tác giám sát nguồn vốn, chất lượng nợ được cải thiện”, ông Khoa nói.

Nâng cao trách nhiệm của địa phương

Theo Giám đốc NHCSXH Phú Yên, Hồ Văn Thục, ngay sau khi có Chỉ thị số 40, chi nhánh đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai đến toàn thể đảng viên, cán bộ, viên chức và người lao động; đồng thời chủ động làm tốt công tác tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND, các Ban, ngành liên quan trong việc ban hành các văn bản, kế hoạch… thực hiện. Đặc biệt, từ năm 2016, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn đề nghị các huyện, thị xã, thành phố, hằng năm tùy vào tình hình thực tế của nguồn ngân sách, bố trí và chuyển từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng ủy thác sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm. Từ đó đến nay, mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng mỗi năm cùng với nguồn vốn của tỉnh, các địa phương đều cố gắng chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH Phú Yên thực hiện cho vay. Hiện tổng nguồn vốn địa phương ủy thác cho ngân hàng đạt gần 52 tỷ đồng, trong đó năm 2018 là hơn 11 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Trần Hữu Thế, cho biết: “Để nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc cùng với TW thực hiện tốt tín dụng chính sách, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương trong tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Phú Yên. Cụ thể, từ năm 2019 mỗi huyện tối thiểu 700 triệu đồng/năm, riêng TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa tối thiểu 1,5 tỷ đồng/năm ủy thác qua NHCSXH tỉnh Phú Yên để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay, góp phần hoàn thành mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”.

NHCSXH huyện Tây Hòa (Phú Yên) giao dịch với bà con tại Điểm giao dịch xã Hòa Bình 1 [3]

NHCSXH huyện Tây Hòa (Phú Yên) giao dịch với bà con tại Điểm giao dịch xã Hòa Bình 1

Sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, giúp nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng. Là hộ nghèo, mới vay vốn chính sách được gần 2 năm nay nhưng kinh tế gia đình ông Lê Trọng Hùng ở khu phố 6, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh đã được cải thiện đáng kể. Ông Hùng cho biết: “Tôi được vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo từ năm 2017. Với số vốn này, tôi mua 10 con dê về nuôi. Được một thời gian, dê sinh sản, đàn lớn dần lên 40 con. Mới đây, tôi đã xuất bán và mua 60 con cừu để nuôi tiếp. Bên cạnh đó, tôi còn tận dụng hơn 3 sào đất vườn để trồng 300 trụ tiêu, 50 gốc cam và nuôi gần 100 con gà. Nếu không có nguồn vốn “mồi” từ NHCSXH, tôi không thể mạnh dạn làm ăn như ngày hôm nay”.

Không riêng hộ ông Hùng, trong giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh Phú Yên có trên 120 nghìn lượt hộ vay vốn, với doanh số cho vay đạt trên 2.570 tỷ đồng, doanh số thu nợ trên 2.000 tỷ đồng, góp phần giúp hơn 20.000 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2%/năm; thu hút, tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động; gần 27.000 HSSV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng mới gần 54 nghìn công trình cung cấp NS&VSMNT; gần 13 nghìn hộ SXKD vùng khó khăn được vay vốn; 526 hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở, 50 nhà ở xã hội. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 45/88 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 51,14%.

“Thời gian tới, NHCSXH tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40. Phối hợp các cấp, ngành tham mưu chính quyền địa phương lồng ghép nguồn vốn cho vay với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác”, Giám đốc Hồ Văn Thục nói.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/chi-thi-40-o-noi-dat-phu-troi-yen.html

URLs in this post:

[1] Cho vay vốn ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Phú Yên: https://vbsp.org.vn/cho-vay-von-o-vung-dong-bao-dtts-tinh-phu-yen.html

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/01/chi-thi-40-o-noi-1.jpg

[3] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/01/chi-thi-40-o-noi-2.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.