- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

CCB Phú Thọ vươn lên làm giàu từ vốn vay ưu đãi

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 22/05/2019 @ 10:51 sáng In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

CCB Nguyễn Trung Thành trao đổi kinh nghiệm làm chè với các xã viên [1]

CCB Nguyễn Trung Thành trao đổi kinh nghiệm làm chè với các xã viên

Nối dài “cánh tay” ngân hàng

Hội CCB các cấp tại tỉnh Phú Thọ đã đồng hành cùng NHCSXH, tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thụ hưởng tín dụng ưu đãi của Chính phủ, phát huy ngày càng hiệu quả nguồn vốn vay, góp phần giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Tiêu biểu như hộ gia đình CCB Định Công Bột, người dân tộc Mường ở xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn là một ví dụ về gương thoát nghèo.

Là một trong những hộ nghèo nhất nhì của xã Hương Cần, có đất rừng rộng hơn 4 a bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhưng tiếc đất rừng màu mỡ, ông Bột bắt tay cải tạo lại, đầu tư trồng một phần cây keo thì hết vốn khiến cuộc sống khó khăn, cái nghèo vẫn cứ đeo bám.

Cuối năm 2017, ông được Hội CCB xã đứng ra tín chấp với NHCSXH cho ông vay 50 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo để đầu tư thêm cây giống, tiếp tục cải tạo khu rừng tạp và mua thêm trâu bò về nuôi. Hiện gia đình ông có 3 con trâu, bò đã lớn và hơn 4ha rừng keo chừng một, hai năm nữa sẽ cho thu hoạch. Nếu suất bán tổng thể cũng cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng. Gia đình CCB Đinh Công Bột đã mạnh dạn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo.

Còn ở Đoan Hùng, ông Nguyễn Trung Thành trở về quê hương xã Minh Tiến sau nhiều năm tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam trong mình còn mang 8 mảnh đạn pháo, nhưng nhìn cảnh đất đai khô cằn, sỏi đá và cuộc sống của bà con thân thuộc nhọc nhằn mà lòng người CCB già nhức nhối. Với tinh thần: “Trước thắng giặc, nay quyết thắng nghèo”, ông Thành đã mạnh dạn tập hợp 18 hộ dân vốn có nghề làm chè, động viên bà con vay vốn ưu đãi, chung sức xây dựng mô hình HTX trồng và chế biến chè Minh Tiến. Với hình thức quản lý là máy móc sao, sấy chè giao xuống tận gia đình xã viên, nguyên liệu chè búp tươi tại chỗ, HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm… Nhờ vậy, HTX này càng làm ăn tấn tới, mỗi năm cung ứng cho đối tác khoảng 700 tấn chè búp nguyên liệu, thu nhập bình quân của mỗi xã viên hơn 7 triệu đồng/tháng. Đại bộ phận xã viên thoát nghèo bền vững, trả đầy đủ nợ vay cho ngân hàng nhờ trồng và chế biến chè xanh đặc sản. Tiêu biểu có hộ CCB Đặng Thế Kiên mỗi ngày đã sao sấy hàng tạ chè khô, tham gia HTX chè Minh Tiến trở thành gương sản xuất giỏi của huyện: “Nhờ tham gia HTX và sử dụng vốn vay ưu đãi hợp lý, gia đình tôi có kinh tế khá giả, thoát nghèo”, CCB Đặng Thế Kiên phấp khởi nói.

Cùng với nguồn vốn ưu đãi do Hội CCB nhận ủy thác đã tạo điều kiện cho các chi hội cơ sở và gia đình hội viên chủ động xây dựng, thực hiện các dự án sản xuất tiểu vùng, đáng kể đến 10 dự án chuyển đổi, thâm canh cây trồng ở các huyện miền núi Đoan Hùng, Cẩm Khê, dự án cải tạo 36ha ao, hồ, nuôi trồng thủy sản của Hội CCB huyện đồng bằng Tam Nông, Thanh Thủy; Dự án phát triển chè sạch theo công nghệ VietGap của Hội viên CCB huyện Thanh Ba, Hạ Hòa.

Hầu hết các gia đình hội viên CCB vay vốn tham gia dự án sản xuất tiểu vùng sau khi kết thúc thời gian thực hiện dự án đều nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, một số hộ vươn lên làm giàu, trở thành điển hình trong phong trào CCB giúp đỡ nhau làm kinh tế giỏi.

Phát huy hiệu quả vốn vay

Chính nhờ “cầu nối” vững chắc dẫn nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước về tận thôn xóm, đến đúng đối tượng, đông đảo hội viên CCB trên vùng đất Tổ Hùng Vương đã chủ động, kịp thời vào mùa vụ trồng trọt, chăn nuôi, lựa chọn xây dựng các mô hình, loại hình kinh tế phù hợp. Tính đến nay tổng dư nợ ủy thác qua Hội CCB tỉnh đạt trên 930 tỷ đồng với 29.582 hộ hội viên còn dư nợ.

Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH được Hội CCB tín chấp, thông qua mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các chi hội CCB tại thôn, xóm, khối phố đã chuyển được đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ kịp thời nhiều hội viên CCB phát triển sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ CCB nghèo từ 15,8% vào thời điểm 2010, xuống 6,2% cuối năm 2018.

Qua thực tế nhận ủy thác và quản lý nguồn vốn ủy thác với NHCSXH, Hội CCB tỉnh Phú Thọ luôn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức của đông đảo hội viên và các đối tượng chính sách trong việc sử dụng vốn vay, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi vượt lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng

Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới, Hội CCB tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, khai thác tất cả các chương trình, tập trung đầu tư hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo việc làm; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH, bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng; quản lý chắc hội viên vay vốn và sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.

Tiếp tục kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo 100% tổ hoạt động hiệu quả, chất lượng tốt, đảm bảo đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại cơ sở. Phối hợp chặt chẽ với ngân hàng kịp thời tập huấn, hướng dẫn kiến thức cơ bản về quản lý tín dụng và kiểm tra, giám sát, phát hiện phòng ngừa rủi ro, hướng dẫn hộ vay vốn sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích. Nâng cao trách nhiệm của hội các cấp; tranh thủ sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương và hội cấp trên; đồng thời mỗi cấp hội đều phân công cán bộ chuyên trách theo dõi quản lý việc nhận uỷ thác vốn NHCSXH.

NHCSXH và Hội CCB tỉnh Phú Thọ  đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách tín dụng để mọi người hiểu rõ và ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của người vay và sử dụng vốn vay; góp phần đầy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Ðể nguồn vốn tín dụng chính sách qua việc ủy thác cho vay ngày một đạt hiệu quả cao và bền vững hơn, cả Hội CCB và NHCSXH tiếp tục đi cơ sở, bám sát đặc điểm và phong tục tập quán làm ăn từng địa bàn, từ đó nghiên cứu, tổng hợp, phổ biến kinh nghiệm các nơi giúp người vay vốn xem xét áp dụng vào thực tiễn của mình như chăn nuôi, trồng trọt, phát triển ngành nghề… để đồng vốn sinh lời ngày một cao hơn.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/ccb-phu-tho-vuon-len-lam-giau-tu-von-vay-uu-dai.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/05/image0013.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.