- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

“Cầu nối” của người nghèo

Posted By On 05/09/2013 @ 12:17 chiều In Người tốt - Việc tốt | No Comments

Sau giờ làm việc, ông Trị tranh thủ chăm sóc ruộng lúa của gia đình [2]

Sau giờ làm việc, ông Trị tranh thủ chăm sóc ruộng lúa của gia đình

Năm nay 46 tuổi, ông Trị đã có thâm niên 5 năm làm Phó Chủ tịch UBND và 7 năm làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Phổ Thạnh. Quê ông, nằm ở cực Nam của tỉnh Quảng Ngãi, không chỉ nổi tiếng bởi các di tích khảo cổ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, bởi nghề muối đã có hàng trăm năm nay, mà còn có nghề khai thác đánh bắt hải sản xa bờ lớn nhất tỉnh. Toàn xã có gần 675 hộ, với 25.600 nhân khẩu, kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp, ngành nghề phát triển đa dạng. Bài toán tìm nguồn vốn cho dân luôn là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể địa phương. Không kể vốn vay các Ngân hàng thương mại, riêng NHCSXH tính đến ngày 31/7/2013, Phổ Thạnh đạt tổng dư nợ 25,313 tỷ đồng, với 1.239 hộ còn dư nợ. Xếp hạng nhận vốn ủy thác, sau Hội Nông dân là Hội Phụ nữ trên 9 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh trên 3 tỷ đồng, Đoàn Thanh niên gần 1 tỷ đồng.

Ông Trị cho biết, nhận được nguồn vốn ủy thác của NHCSXH đã khó, việc quản lý vốn vay, đưa tín dụng chính sách đến đúng đối tượng được thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích, không xâm tiêu, không nợ quá hạn… còn khó hơn nhiều. Để giảm bớt khó khăn, ông đã dùng tiền hoa hồng nhận vốn ủy thác của hội mua máy tính phục vụ cho công tác quản lý. Thay cho sổ sách, ông cập nhật thông tin từng ngày 600 hộ vay vốn của hội.

Huyện Đức Phổ đang tiến ra biển, đảo với mô hình xã Phổ Thạnh. Cách đây hai năm, số lượng tàu lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng hiện nay số tàu có công suất lớn đã tăng rất nhanh. Cả xã có gần 840 tàu đánh cá thì 2/3 số phương tiện đánh bắt xa bờ, tại các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là những đội tàu hùng hậu nhất của huyện, chuyên bám biển dài ngày và khai thác hải sản với sản lượng lớn. Bà Lê Thị Liên ở xóm Cồn, thôn Thạch B1, sau khi thoát nghèo, đầu năm nay được NHCSXH cho vay 25 triệu đồng mua ngư lưới cụ cho chồng “đi bạn” (lao động trên tàu của người khác). Ông Văn Công Thành ở xóm 2, thôn Thạnh Đức 2, vay 25 triệu đồng mua ngư lưới cụ và nuôi hàu, trai. Cùng với những đoàn tàu ra khơi, nhiều cơ sở chế biến thủy sản đã ra đời, hoạt động có hiệu quả, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.

2/3 số dân xã Phổ Thạnh sống bằng nghề biển. Ngoài nghề cá, muối Sa Huỳnh đã được công nhận thương hiệu và đang nuôi sống 600 hộ diêm dân. Hiện nay, đồng muối có diện tích hơn 116ha, được địa phương đầu tư đắp hàng nghìn mét đê biển và cải tạo phần lớn diện tích - làm muối trên nền xi măng, để sản xuất muối sạch, giá thành hạ, tăng thu nhập cho diêm dân. Tổ chị Cao Thị Sen có 5 hộ ở xóm Long Thạnh 1 vừa được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng, cải tạo ruộng muối 250m2 (tương đương 5 ô). Chị hy vọng mùa muối năm nay cũng được mùa, được gía như năm 2012.

Xã Phổ Thạnh có 9 thôn, duy nhất có thôn Đồng Văn với hơn 500ha đất tự nhiên chủ yếu là đồi núi. Cả thôn có gần 100 hộ thì quá nửa đã bỏ quê đi kiếm sống xứ người. Những người ở lại tìm cách thoát nghèo bằng cách vay vốn hộ nghèo, vốn giải quyết việc làm, trồng rừng, trồng cỏ nuôi bò sinh sản tiến lên nuôi bò vỗ béo, nuôi dê với quy mô đàn hàng chục con. Cả bò và dê là nguồn thực phẩm luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, mang lại nguồn thu không nhỏ cho xóm núi Đồng Văn thoát nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh Lê Văn Thái nhận xét, Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Văn Trị là người miệng nói, tay làm. Bên cạnh lo tìm nguồn vốn ủy thác, ông luôn giành thời gian đến tận nhà hội viên tìm hiểu nguyện vọng, trao đổi cách làm ăn, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay. Ông luôn tìm tòi trên sách, báo và đến nhiều nơi tham quan những mô hình sản xuất hiệu quả rồi phổ biến lại cho hội viên. Nhờ vậy, các hội viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đối với gia đình, hàng ngày ngoài giờ làm việc, ông Trị tranh thủ chăm sóc 8 sào ruộng lúa và trên 3.000m2 ruộng muối cùng với 3ha rừng sao đen và keo lai. Thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Giỏi việc nhà, hết mình vì công việc, ông Trị cùng với tập thể Hội Nông dân xã trong nhiều năm liền nhận được nhiều Bằng khen và Giấy khen của Trung ương Hội Nông dân và UBND tỉnh Quảng Ngãi. Đáng quý hơn ông được bà con nông dân Phổ Thạnh tin yêu, gọi bằng cái tên trìu mến: Ông Trị - “cầu nối” của người nghèo.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/cau-noi-cua-nguoi-ngheo.html

URLs in this post:

[1] Thanh niên Ba Tơ vừa sản xuất giỏi, vừa xóa nghèo tốt: https://vbsp.org.vn/thanh-nien-ba-to-vua-san-xuat-gioi-vua-xoa-ngheo-tot.html

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2013/09/Cau-noi-cua-nguoi-ngheo.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.