- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Bứt phá trong giảm nghèo nơi địa đầu Tổ quốc

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 14/02/2021 @ 6:02 sáng In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

2. But pha giam ngheo noi dia dau To quoc [3]

Nguồn vốn ưu đãi đã giúp người nghèo ở xã Quang Minh, huyện Bắc Quang đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị

Hà Giang là tỉnh miền núi cực Bắc của Tổ quốc với hơn 277km đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố với 193 xã, phường, thị trấn cùng 2.071 thôn, bản. Tuy nhiên, có đến 7 huyện và 163 xã thuộc vùng khó khăn, 34 xã biên giới, 1.408 thôn đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, có 19 dân tộc cùng sinh sống với đa phần là đồng bào DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn… Chính bởi vậy, Chỉ thị số 40-CT/TW đã góp phần tạo nên bứt phá trong công tác giảm nghèo của tỉnh.

Đây là chủ trương thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với hộ nghèo nhằm tạo điều kiện giúp họ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Từ đó, góp phần tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, tích cực thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Việc đảm bảo hoạt động xuyên suốt về tín dụng chính sách trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Trên cơ sở nhận thức rõ vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện hiệu quả các nguồn lực. Điều đó được thể hiện thông qua việc hàng năm, bố trí ngân sách địa phương các cấp, chuyển sang NHCSXH để bổ sung vốn ủy thác cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, tổng ngân sách tỉnh và 11 huyện, thành phố đã chuyển 73,3 tỷ đồng sang NHCSXH tỉnh và NHCSXH các huyện, thành phố để cho vay đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách.

Đặc biệt, NHCSXH tỉnh Hà Giang đã phối hợp, thành lập 193 Điểm giao dịch xã, từ đó tiết giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân dễ dàng giao dịch và thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi. Tại những Điểm giao dịch này, các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và quy trình thủ tục vay vốn của NHCSXH được niêm yết công khai; hộ vay giao dịch trực tiếp với cán bộ NHCSXH vào ngày cố định trong tháng để nhận tiền vay và trả nợ khoản vay trước sự chứng kiến của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, đại diện tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chính quyền sở tại.

Nhờ đó, hạn chế việc thất thoát, tham ô, lợi dụng tiền vốn; tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH. Mặt khác, Tỉnh ủy còn chỉ đạo UBND tỉnh đôn đốc điều tra, rà soát, thống kê, xác nhận hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Trên cơ sở đó, chỉ đạo NHCSXH tỉnh thường xuyên rà soát đối tượng cho vay, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, phấn đấu 100% đối tượng chính sách có nhu cầu đều được vay vốn các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

Để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội đã tham gia trực tiếp vào Ban đại diện HĐQT của NHCSXH các cấp; vừa đại diện cho đoàn thể, vừa trực tiếp chăm lo cho đối tượng thuộc đơn vị mình quản lý. Bên cạnh đó, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và các huyện, thành phố thường xuyên được củng cố, kịp thời kiện toàn, đảm bảo công tác chỉ đạo triển khai một cách liên tục, thông suốt, hiệu quả. Việc kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT các cấp và hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ của NHCSXH đã góp phần tích cực trong việc nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, phát huy tính chủ động trong công tác, phòng ngừa sai phạm, kịp thời xử lý tồn tại, hạn chế trong hoạt động tín dụng chính sách. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp được thực hiện thường xuyên, đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả; từng bước đưa chất lượng hoạt động ủy thác đi vào nền nếp…

Lan tỏa giá trị

2. But pha 2 [4]

Xưởng cơ khí của anh Lưu Mạnh Thắng (bên phải) ở tổ 2, phường Minh Khai, TP Hà Giang giúp nhiều lao động địa phương thu nhập ổn định

Thông qua NHCSXH, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ có thêm nguồn lực phát triển SXKD, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời, thúc đẩy họ tìm cách làm, sử dụng vốn có lợi nhất, bớt dần tư duy ỷ lại để vươn lên thoát nghèo. Có thể nói, đây là một hình thức đổi mới cách đầu tư cho hộ nghèo nhằm khắc phục hạn chế từ việc “cho cá” sang trao “cần câu”, dựa trên kế hoạch sản xuất của người dân, trách nhiệm sử dụng vốn và hoàn vốn cho Nhà nước thông qua NHCSXH.

Bà Trần Thị Lan ở tổ 14, phường Minh Khai, TP Hà Giang không giấu được niềm vui: “Ở tuổi ngoài 50, vợ chồng tôi bắt đầu khởi nghiệp với nghề làm dịch vụ ăn sáng. Để có cơ nghiệp với thu nhập tương đối ổn định này, chúng tôi được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Trước đó, tôi vay vốn chương trình HSSV của NHCSXH với tổng số tiền 50 triệu đồng để có thêm kinh phí lo cho 2 con học đại học”.

Không phụ sự kỳ vọng của mẹ cha tảo tần sớm hôm với đủ thứ nghề vất vả; cô con gái Sầm Thu Hương của bà nay đã là bác sĩ Chuyên khoa I - Khoa Ung bướu của Bệnh viện Nhiệt đới TW. Còn con trai út Sầm Thái Thông sau khi tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin - Truyền thông của Đại học Thái Nguyên đã có việc làm ổn định tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC (Hà Nội). Đặc biệt, anh đang là Tổ trưởng Tổ kỹ thuật của Công ty, phụ trách khâu kỹ thuật trong thực hiện phần mềm Đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.

Cũng như gia đình bà Lan, với số tiền vay 80 triệu đồng của NHCSXH đã giúp anh Lưu Mạnh Thắng ở tổ 2, phường Minh Khai có thêm nguồn lực mở xưởng cơ khí với doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Không những vậy, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động (đều là thanh niên DTTS) với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Riêng gia đình anh Nguyễn Trung Hiệp ở xã Phương Thiện, TP Hà Giang nay đã có nhà xây khang trang, hiện đại với tổng diện tích sử dụng lên đến 250m². “Nếu như trước đây, nơi ở của gia đình tôi chỉ vỏn vẹn 18m²; thì nay, chính nhờ nguồn vốn vay chính sách 300 triệu đồng đã giúp vợ chồng tôi hiện thực hóa về chốn an cư, lạc nghiệp”, anh Hiệp chia sẻ.

Niềm vui của bà Lan, anh Thắng hay anh Hiệp cũng là cảm xúc chung của rất nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Giai đoạn 2014 đến nay, NHCSXH tỉnh Hà Giang triển khai 15 chương trình tín dụng với doanh số cho vay đạt hơn 5.000 tỷ đồng; 163.054 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Dư nợ bình quân tăng từ 19 triệu đồng/hộ lên 37,2 triệu đồng/hộ so với đầu giai đoạn. Thông qua vốn chính sách, hơn 30 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 413 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 10.903 lao động tại địa phương được tạo công ăn việc làm; 34.865 công trình NS&VSMTNT đảm bảo theo tiêu chuẩn được xây dựng; 1.339 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được hoàn thành. Không những vậy, nguồn vốn ưu đãi còn khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm. Nhờ đó, đời sống nhân dân, nhất là vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn không ngừng nâng cao, điều kiện kinh tế được cải thiện, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) trên địa bàn toàn tỉnh giảm từ 43,65% (năm 2015) xuống 26,73% (năm 2019)…

Chỉ thị số 40-CT/TW mang tính chiến lược, đột phá của Đảng trong tổ chức triển khai tín dụng chính sách xã hội; trở thành “đòn bẩy” kinh tế giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW góp phần làm tốt công tác dân vận ở cơ sở nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… Kết quả trên đã phần nào chứng minh sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị nơi địa đầu Tổ quốc đối với hoạt động tín dụng chính sách, để tạo nên những thành quả tốt đẹp.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/but-pha-trong-giam-ngheo-noi-dia-dau-to-quoc.html

URLs in this post:

[1] Gieo mầm no ấm trên cao nguyên đá: https://vbsp.org.vn/gieo-mam-no-am-tren-cao-nguyen-da.html

[2] Tín dụng chính sách xã hội cho khu vực miền núi và DTTS: Cộng hưởng sức “công phá” vào từng “lõi nghèo”: https://vbsp.org.vn/tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-cho-khu-vuc-mien-nui-va-dtts-cong-huong-suc-cong-pha-vao-tung-loi-ngheo.html

[3] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2021/02/2.-But-pha-giam-ngheo-noi-dia-dau-To-quoc.jpg

[4] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2021/02/2.-But-pha-2.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.